1. Có cái sự chẳng bao giờ là đủ…
Không hiểu sao dạo này mình có
cái thú tìm hiểu văn nghị luận của bọn cấp 3, có lẽ tại thi thoảng có đứa cháu
thích thảo luận về mấy câu văn trích dẫn, hay vài câu ngạn ngữ danh ngôn gì đó.
Ngẫm lại, thấy tiếc rằng sao ngày xưa mình không học môn văn tử tế hơn một chút
mà lại thường tỏ ra thờ ơ với mỗi tác phẩm, mỗi tiết học văn như vậy? Cái lối
suy nghĩ lạc hậu khi cho rằng môn này chính, môn kia phụ đã khiến cho bản thân
mình tự đánh mất hoặc bỏ qua, và rồi trở nên thiếu hụt trầm trọng những bài học
nền tảng nhất cho một hành trang trọn vẹn hơn của một con người… Đây quả thực
là một bài học đắt đỏ khi sự hiểu biết và giáo dục dừng lại ở những suy nghĩ
đóng kín bảo thủ. Càng lớn càng thấy bất kể cái gì không được quan tâm một cách
cẩn thận từ những thứ cơ bản nhất, nhỏ bé nhất đều dẫn tới những thiếu sót,
thậm chí đôi khi có thể gọi là hậu quả nghiêm trọng trong cuộc sống đa dạng của
mỗi con người… Có lẽ giờ đây chỉ còn có thể mang bài học này ra để chia sẻ với
lớp lớp tuổi sau được thôi, nhất là con cái mình sau này. Và cho chính bản thân
mình thì thấy rằng biết thêm được một cái gì đó thì chẳng bao giờ là thừa cả,
chỉ sợ không đủ độ chăm chỉ và bền bỉ để mà được biết thêm thôi…
2. Cái gì cũng cần phải đến đúng thời điểm của nó…
Ngày xưa, học cấp 3, đọc tác
phẩm Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải, mình thích câu này lắm: “Sự sống nảy sinh từ
trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này
không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức
mạnh để bước qua những ranh giới ấy...” Câu nói này đã từng là một trong
những triết thuyết được ghi vào ngay tại trang đầu tiên trong mỗi cuốn vở tự
học của mình. Hôm qua dọn lại cuốn vở cũ, thấy dòng chữ hiện lên của những ngày
nào, chợt nước mắt chảy dưng dưng… Những lo lắng và phiền muộn đang trực trỗi
dậy thì như bỗng dưng gặp phải hàng rào chắn…
Như đã từng đọc trong một bài văn thi đại học nào đó của một bạn học sinh, bạn ấy đã viết thế này: "Bác
Hồ cũng đã từng nói: “Nếu không có cảnh đông tàn, Thì sao có cảnh huy hoàng ngày
xuân”. Con người từ khi sinh ra, không ai có được quyền hưởng hạnh phúc suốt đời
mà không phải chịu sự khổ đau, hi sinh nào. Cũng như, không có ai là suốt đời
đau khổ mà không tìm được hạnh phúc. Trong vất vả, đớn đau, hạnh phúc vẫn có thể
hiện hình. Một người đã “quá lứa lỡ thì” như Đào, đã từng mất chồng mất con, từng
lang bạt tứ xứ tối đến đặt lưng ở đâu là nhà – một con người từng chịu bao
nhiêu đau khổ, mặc cảm – cuối cùng cũng tìm được một bến đỗ bình yên nơi nông
trường, tìm được một hạnh phúc dẫu muộn màng bên người đội trưởng."
Giữa sự sống - cái chết, hạnh phúc - khổ đau luôn có những ranh giới....
Trưa nay
không buồn ngủ, đọc những câu này, thấy lòng mình nghe bình yên hơn đấy:
“Nhẫn một
chút tâm ta an lạc...
Nhịn một
chút - mọi người đều vui!
Một kiếp
không tu muôn kiếp khổ...
Một đời
không đạo... vạn đời sầu!
...Phú
quí vinh hoa như mộng ảo...
Sắc tài
danh lợi tựa phù du...!
Lợi danh
như bóng mây chìm nổi...
Chỉ có tình
thương để lại đời...!”
(sưu tầm)
Một
cái cây muốn có trái phải chờ đợi thôi. Quan trọng là khi cây có hoa, có trái,
nó có ngọt hay không mà thôi, chứ cây ăn trái thì thế nào cũng sẽ có hoa có
trái. Trái trên cây chưa chín thì cứ chờ đến lúc chín, đừng vội hái xuống mà
"vú" nó thì không ngon bằng để tự nhiên...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét