Có một cuộc đối thoại mình tình cờ
nghe được trên xe bus hôm trước, giữa một bà mẹ và cô con gái nhỏ của chị ấy,
đã khiến cho mình phải suy nghĩ…
Mình bắt đầu
để ý câu chuyện giữa 2 mẹ con họ khi cô bé khoảng 7-8 tuổi này đang phàn nàn về
cô em họ thân thiết của mình. Cô bé kể lể bao nhiêu là chuyện không hài lòng của
mình về cô em họ kia, từ cái chuyện: nó ngủ rất hư nhưng cứ thích ngủ với con
và còn thích ôm con nữa, đến những chuyện như là: con nhường nó cái này, chia
cho nó cái kia mà có lúc nó chẳng nghĩ đến con…v.v
Điều mình ấn
tượng chính là cách phân tích và giải thích những phàn nàn của người mẹ cho con
gái nhỏ của mình, thật nhẹ nhàng và rộng lượng, trong đó có đoạn như thế này:
"Con không nên so sánh từng tí một với em
con như thế. Chị em gái phải biết nhường nhịn, yêu thương và bảo vệ
nhau. Con cứ yêu quý em và không suy tính thiệt hơn thì em nó cũng sẽ tự
nhiên yêu quý con, rồi đi đâu chị em cũng nhớ về nhau, lúc ốm đau cũng
sẽ không bỏ mặc nhau. Tật xấu thì em nó có, cả con cũng có, nhưng đây
là những tật nhỏ nhỏ và là những thói quen chưa sửa được thôi, có khi cả con và
em con cũng không biết như thế là xấu. Con không thể vì con không thích cái này
thì cũng muốn người khác cũng phải nghĩ như con được…" [còn nữa...]
Câu chuyện
của họ vẫn tiếp tục diễn tiếp, và mình vẫn lắng nghe cho đến khi đến điểm dừng phải
xuống xe. Không hiểu sao mình có cảm giác nhẹ tênh như vậy khi nghe những lời
dạy dỗ của bà mẹ trẻ này. Thật sự rất dễ chịu!
Bất giác,
mình nhớ lại câu chuyện trong bữa cơm với gia đình bạn Dung lớp đại học, hồi mình
về Đồ Sơn thăm nhà bạn ấy mấy tháng trước. Trong bữa cơm, bác trai và bác gái
hỏi thăm rất nhiều về chuyện giữa Dung và gia đình nhà người yêu Dung. Có rất
nhiều vấn đề mà Dung gặp phải và cũng được cả hai bác đưa ra những lời phân
tích và cách “xử lý” cực kỳ ấn tượng và tâm đắc. Mình nhớ bác gái đã nói những
câu đại ý như thế này:
Những xung đột như thế là không thể tránh khỏi khi con
bước vào một gia đình mới, không giống với những gì thân thuộc của con ở nhà
mình. Vì thế con cần tìm cách hòa hợp để tránh buồn phiền và thất vọng. Con đối
xử tốt với người này nhưng không có nghĩa là người đó có nghĩa vụ phải đối xử tốt
lại với con. Đòi hỏi kiểu như vậy sẽ thường khiến con đâm ra dễ cáu bẳn và thất
vọng lắm. Nhưng nếu với ai con cũng làm như vậy thì thế nào con cũng nhận được lòng tốt của người
khác, mà có khi mình chẳng bao giờ ngờ tới được. Ngược lại, nếu người này đối
xử không tốt với con thì hoặc là tìm tránh xung đột nếu cần thiết, nhưng khi đã
có ràng buộc trong một gia đình thì con nên vẫn đối xử tốt với họ. Phải làm sao
để từ thái độ không hài lòng mà họ phải trở
nên tôn trọng mình, hài hòa với mình mới là chuyện khó, chuyện đáng phải nghĩ
đến, chứ nếu mình cũng đâm ra “ghét” họ trở lại thì cũng đơn giản thôi, nhưng
chả bao giờ là dễ chịu cho cả hai đâu…[còn nữa...]
Cả hai câu chuyện trên đều mang đến
cho mình những bài học về lòng vị tha, sự nhẫn nhịn cần thiết, sự linh hoạt
biến đổi trước một hoàn cảnh mới…, những điều không thể thiếu để có một đời
sống tinh thần dễ chịu và thanh thản hơn trước những điều không như ý xảy ra
như một lẽ tất nhiên của cuộc sống này…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét