Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Dấu chấm và những người bạn

Một buổi chiều nọ, dấu chấm hỏi và dấu chấm cùng nhau đi dạo trong công viên. Cả hai cùng nhau ngồi nghỉ tại một chiếc ghế đá, hướng về phía mặt hồ.
Dấu chấm hỏi nói với dấu chấm: “Dấu chấm ơi, anh hãy kể cho tôi nghe một chút về anh và những người bạn của anh đi.”
Dấu chấm mỉm cười: “Được thôi!. Như cô thấy đó, người ta hay nhìn thấy tôi khi tôi đánh dấu cho một kết thúc. Nếu là một kết thúc tốt đẹp, người ta thấy vui và chẳng mấy khi để ý tiếp theo dấu ấn đó là gì, bên cạnh dấu ấn đó có gì. Còn nếu là một kết thúc không mong muốn, người ta buồn khổ và cũng ít khi quan tâm đến những thứ kia. Nhìn chung, họ chỉ đánh giá tôi là đại diện cho một kết thúc, lúc vui lúc buồn. Nhưng cô cũng thấy đấy, giống như trong một đoạn văn, tôi là kết thúc của câu trước, nhưng cũng là khởi đầu của câu sau đấy chứ. Câu sau nối tiếp câu trước để làm nên một đoạn văn hoàn chỉnh. “Chấm” không hẳn tức là “hết””.
“Còn những người bạn của anh thì sao?” Dấu chấm hỏi hỏi tiếp.
“Dường như tôi chẳng thể tồn tại trọn vẹn nếu thiếu họ bên cạnh. Có thể cô bắt gặp tôi quá nhiều, một sự lặp đi lặp lại thật giản đơn, chỉ có bắt đầu và kết thúc. Nhưng nếu để ý kỹ hơn, cô sẽ thấy, trong hành trình từ bắt đầu đến kết thúc của tôi, dấu phẩy thường hay song hành. Nhờ có dấu phẩy, chuỗi hành trình của tôi không quá đơn giản mà được nối tiếp nhau bởi một xâu chuỗi phức tạp. Đó thật sự là một dãy khó khăn mà dấu phẩy đã giúp tôi trải qua đấy chứ.”
“Anh kể tiếp đi”. Dấu chấm hỏi vẫn chăm chú lắng nghe.
“Đôi khi tôi cần những dấu chấm lửng, bởi quả thật nhiều điều tôi không lý giải được, hoặc, bởi còn nhiều suy nghĩ khác nhau mà mỗi người có thể tự suy ra. Tôi để lửng để nghĩ tiếp hoặc để ai đó tự hiểu mà thôi…”
Dấu chấm tiếp: “Tôi cần dấu hai chấm để cô ấy liệt kê cho tôi, giải thích cho tôi những hành vi trong hành trình của mình. Nếu nghĩ một cách đơn giản, chắc tôi sẽ luôn cho rằng tôi đúng và đổ lỗi cho người khác mất thôi. Cô ấy rất có tài quan sát, chân thành và tỉ mỉ, nên tôi tin tưởng cô ấy. Ngoài ra, tôi cũng rất cần cô dấu chấm than bên cạnh để những cảm xúc trong tôi có lúc được thăng hoa. Cô biết đấy, nếu chỉ đều đều, khe khẽ cái hành trình mở đầu và kết thúc với một mình tôi, có lẽ tôi sẽ phát điên lên lúc nào không biết. Có dấu chấm than bên cạnh, tôi biết cảm thán, biết xuýt xoa, biết tỏ ra sung sướng hay phẫn nộ. Mỗi trạng thái là mỗi cung bậc khác nhau của ngữ điệu, của cảm xúc…
“Anh có muốn kể cho tôi thêm về một người bạn nào khác nữa không nhỉ?” Dấu chấm hỏi hỏi tiếp.
“Đương nhiên tôi không thể bỏ qua một người bạn rất ý nghĩa nữa. Không ai khác, chính là cô đấy, dấu chấm hỏi ạ. Cô thật chăm chú và sáng tạo bởi luôn biết quan sát để đặt ra những câu nghi vấn, không ngừng học hỏi về những điều chưa biết. Ở bên cô, tôi cảm thấy mình cũng được vận động theo, để từ đó đi tìm những lời giải đáp, và cũng để không làm mất dần sự thiếu quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Cảm ơn cô!”
Thế rồi dấu chấm và dấu chấm hỏi nhìn nhau mỉm cười. Sau đó họ đứng dậy khỏi ghế và cùng nhau đi dạo tiếp…

Ru ta buổi chiều

Chiều xuống, hoàng hôn lên, sắc đỏ diệu kỳ và bí ẩn… Không nên bỏ qua một buổi chiều như thế này khi cứ ru rú, chon chân quanh quẩn mãi ở góc sân nhà mình chứ.
Dắt xe đạp ra khỏi cổng, lướt qua một vòng khắp đường làng quanh co, qua cánh đồng vừa mới hôm nào còn trơ gốc rạ giờ đã được phủ dày bởi một màu xanh non mượt mà của lá mạ. Gió bắt đầu vi vu thổi. Cả ngày hôm nay gió lẩn trốn bằng khí trời oi bức, giờ mới thả sức mà lan tỏa. Bờ đê trải dọc theo đường làng mình giờ này nhộn nhịp quá, người ta mua bán chợ chiều, người ta hóng gió, người ta xong việc ở ngoài đồng ruộng, bọn trẻ con đứng dưới triền đê thả diều, người lớn giục giã trẻ con đi về nấu cơm… Những âm thanh cứ thế trộn lẫn vào nhau, tưng bừng quá! Dừng xe đứng ở một góc trên đê, phía đối diện với cổng Đình làng, ngắm nghía… Thi thoảng, lại gặp một bà lão, cất tiếng chào, mũi phập phồng khi nhận được một lời “khen” dễ thương và mộc mạc, kiểu như: “Cha bố mày, đã lớn dư này rồi cơ à? Không nói thì ta cũng chả biết đứa nào. Thế con học xong chưa?” Đấy, đại loại là những câu như vậy. Gặp mấy phụ huynh của lũ bạn ngày xưa: “C về đấy à cháu?” Thi thoảng bắt gặp mấy chị bạn, mấy cô bạn ngày xưa. Người thì mặt đang hây hây rạng ngời, phúng phính với một bộ đồ có sức che chở cho cả 2 cơ thể sống, lại véo một cái rõ “yêu” lên má mình “cho cô chóng được như chị nhá”. Người thì đang hớn hở, tay bế tay bồng, thi thoảng trỉ trỏ, miệng liên hồi dạy cho “thiên thần nhỏ” bi bô những câu nói từ đơn giản nhất, những hành động dễ thương đến ngất ngây: “Con yêu cô một cái để đi tiếp nào!”, và cậu bé (cô bé) cũng chẳng ngại ngần gì khi làm theo lời mẹ, hào phóng trao đi “cái yêu” ấm áp lên má của một người gặp bên đường…
Gió vẫn thổi vi vu, mặt trời đỏ đang khuất xa dần, trăng bắt đầu lên, đạp xe về, thầm hát một bài hát, không cất lên thành tiếng, chỉ đủ để lòng mình “nghe” được…