Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Món quà của mùa đông

Cũng là nắng nhưng bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, mỗi mùa người ta đều có những cảm xúc riêng về nắng, bao gồm màu sắc và cường độ chiếu sáng của nắng, tác động đến tâm hồn nhạy cảm của mỗi người. Riêng đối với mùa đông thì nắng thật sự là một món quà ý nghĩa theo cả ý nghĩa thực tế lẫn ý nghĩa tượng trưng.
Người ta đón nhận nắng như một sự ưu ái đặc biệt của tự nhiên vào những ngày mùa đông giá rét, bằng một niềm hân hoan rạo rực thật khó diễn tả được cụ thể. Những con phố như được sáng bừng lên từ rất sớm khi bình minh tỉnh giấc, cây cối vạn vật vì thế cũng trở nên tươi tắn rạng ngời hơn, thỏa sức vươn vai chào đón ánh nắng mặt trời. Nắng như thể một nghệ sĩ trang điểm thật tài hoa, mới xuất hiện và chỉ qua một vài nét vẽ mà đã điểm tô cho thế giới một bộ mặt mới thật rạng ngời và tươi tắn. Những nụ hoa còn đang khiêm tốn khoe màu sắc và hương thơm, thế mà khi gặp nắng cũng tự tin thi nhau cười rạng rỡ phô diễn những bộ trang phục lạ mắt và quyến rũ. Thật hấp dẫn hơn bộ dạng của những ngày lạnh giá khác, khi vạn vật cứ đang co ro và run rẩy lên vì lạnh, mặt mũi cứ xam xám lại thâm thâm do tái tê vì làn không khí lạnh bao trùm. Dẫu không thể làm tan đi cái giá buốt của thời tiết, nhưng rõ ràng, khi có nắng, mùa đông được trang điểm đẹp hơn những ngày thường, thật sự trở nên ấm áp và vui vẻ hơn rất nhiều…
Vạn vật cây cối được điểm tô màu sắc mới, và lòng người cũng rộn ràng hân hoan hơn khi đón nắng mùa đông. Mùa đông tỏa nắng, người ta đỡ ngại ra đường hơn. Các cụ ông, cụ bà cùng nhau đi dạo nhiều hơn dưới phố mà ít sợ cảm lạnh đột ngột hơn ngày thường giá buốt khác, để tiếp tục được vận động làm dẻo dai sức khỏe. Trẻ em được bố mẹ dắt tay ra phố đón nắng nhiều hơn. Chúng được cởi bỏ những lớp mũ áo dày cộp, to xù xì của ngày trời lạnh để thỏa thích chơi đùa, chạy nhảy dưới không gian được sưởi ấm bởi ánh nắng mặt trời. Các cô gái được dịp thay đổi kiểu cách trang phục để trở nên mới mẻ hơn so với những ngày khác. Những chiếc áo khoác dài và dày cộp xù xì được thay bằng những kiểu áo mỏng hơn khác, nhẹ nhàng mềm mại hơn, đa sắc và quyển rũ hơn. Các chàng trai cũng thế, những áo phao, áo lông được thay bằng những áo sơ mi, ghi lê, áo len hay nhiều loại áo khoác mỏng khác…, thật khỏe khoắn và lịch lãm. Và sự thật là có ít người nào lại không cảm thấy có chút vui hơn, phấn chấn hơn mỗi khi mùa đông có nắng. Cũng không ít người có cảm giác muốn được phiêu diêu đâu đó để nhìn ngắm không gian vào những ngày được trang điểm khác hơn ngày thường như thế này.
Đối với các bà nội trợ thì những ngày mùa đông có nắng như thế thật sự trở nên vui vẻ, sởi lởi, tất bật và rộn rã hơn bao giờ hết. Thế nào thì giá rau cỏ ở ngoài chợ cũng rẻ hơn mọi khi được một chút, các loại rau cũng trở nên phong phú hơn nữa, tha hồ mà chọn lựa. Nào áo, nào quần, nào chăn, nào gối… thi nhau được mang ra giặt giũ, phơi phóng. Mọi thứ trong căn nhà trở nên sạch sẽ tinh tươm, thơm tho sang sủa hơn, bước vào trong nhà cũng cảm thấy ấm áp, tươi vui hơn…
Trái tim của một ai đó đang trở nên tê cứng, theo nghĩa hẹp, vì lý do này hay lý do khác có thể được ví như mùa đông lạnh giá. Và nắng trở thành một biểu tượng đặc tả cho nỗi khát khao mong mỏi của người đó. Nắng sẽ vẫn xuất hiện thôi, như một sự ưu ái rất tự nhiên của tạo hóa, nên trái tim ấy chắc chắn cũng sẽ được sưởi ấm…
Nắng của mùa đông không gay gắt chói chang mà rất hiền lành nhẹ nhàng mà thôi. Nó không đủ để hòa tan hay lấp đầy không khí lạnh lẽo nhưng chỉ đủ để sưởi ấm không gian ấy, đủ để làm cho vạn vật và tinh thần của con người được đổi thay, hân hoan tươi tắn hơn, và đong đầy thêm một sức sống mới mẻ hơn…

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Mùa đông có yêu không?

Thế là những ngày đông giá rét đã thật sự bừng tỉnh với đầy đủ màu sắc, âm điệu, len lỏi qua từng ngóc ngách của những con phố dài, qua từng cơn gió lạnh rít lên mỗi buổi sớm khuya, qua cảm giác sởn gai gốc đến rùng mình, và rồi run lên bần bật thậm chí khi hãy còn đang cuộn tròn trong tấm chăn bông dày… Mùa đông, có yêu không?
Một năm có 4 mùa, nhưng mùa mình “yêu” nhất không phải là mùa đông, mà là mùa thu. Nó đến trước mùa đông, nhẹ nhàng hơn mùa đông nhiều lắm. Với  mình, mùa thu rất bí ẩn, vì thế nó cuốn hút mình bởi sự thôi thúc muốn tìm hiểu, khám phá và chinh phục những cảm giác và cảm xúc phức hợp. Bởi sao ư? Những vạt nắng không quá gắt gỏng và rực rỡ chói chang như nắng mùa hè; những cơn mưa bất chợt ào ào trút xuống khi mới đây thôi, bầu trời hãy còn xanh, làn mây kia hãy còn bồng bềnh màu trắng; những làn gió hiu hắt trở theo hơi se se lạnh, vởn vơ và miên man khắp da thịt, chỉ đủ để khơi dậy một nỗi niềm nhớ nhung chơi vơi nào đó. Mùa thu với mình là thế, thật ẩm ương và kỳ cục, nhưng vẫn đầy hấp dẫn, lôi cuốn và yêu thương… Còn mùa đông thì sao nào?
Mùa đông cũng có nắng, có mưa và có gió. Khác với mùa thu, khi những cảm giác và cảm xúc của nó rất đỗi miên man, khó đoán, khó bật thành một nỗi niềm cụ thể, mùa đông rất rõ ràng, da diết, khắc khoải và mạnh mẽ hơn nhiều lần. Mùa đông rất lạnh và rất ấm! Những vạt nắng vàng hanh hao và khô lạnh chỉ có thể cảm nhận trong làn môi khô nẻ của mùa đông không đủ để sưởi ấm không gian lạnh lẽo được bao phủ bởi làn sương đêm tan quá từ từ, bởi không khí đang được hòa tan trong từng cơn gió lạnh. Mùa đông trở nên tái tê đến thấu da thịt khi những giọt mưa hòa lẫn trong không khí vốn đã lạnh giá run người. Những khi ấy, chỉ còn nghe rõ rệt tiếng lập bập, run rẩy thổn thức từ bên trong cơ thể, cùng đôi bàn tay lạnh cóng đan xen chặt khít với nhau, dấy lên một nỗi khao khát cháy bỏng, rằng có một đôi bàn tay khác sẽ chạm vào, lấp đầy và che chắn. Và nếu như làn gió se lạnh của mùa thu chỉ đủ để khơi dậy một nỗi niềm nhớ nhung chơi vơi nào đó, thì những cơn gió lạnh rít lên từng hồi trong hơi thở của mùa đông lại khác, mạnh mẽ và da diết đến độ khiến người ta mong được chắp thêm đôi cánh để tìm đến bên nhau, cho đong đầy nỗi nhớ nhung và yêu thương để thổi bùng lên một ngọn lửa vô hình nhưng ấm áp hơn bao giờ hết…
Sao bảo mùa đông rất lạnh và rất ấm? Bởi mùa đông vốn dĩ đã lạnh rồi, nên người ta mong lắm tìm được làn hơi ấm áp đủ để khỏa lấp cái lạnh lẽo run người, càng ấm áp bao nhiêu càng tốt. Nào áo quần, lò sưởi; nào chăn ấm, đệm êm; nào khăn choàng, mũ len… Bấy nhiêu thôi hãy là chưa đủ. Mùa đông cần nhiều hơn hơi ấm của tình yêu. Những đứa con xa nhà càng mong trở về quây quần bên gia đình, để cảm nhận trọn vẹn hơn hơi ấm của tình thương mến, khi những nỗi nhớ chợt ào ạt đong đầy vào những buổi tối trời đông, lặng lẽ bên tách trà nóng hổi, thả hồn và rong ruổi trở về những kỷ niệm bé thơ, vô tư trong vòng tay ấm áp của bố mẹ. Những người yêu nhau mong được gặp nhau, gần nhau nhiều hơn, được ở bên nhau dài hơn; những đôi lứa xa nhau càng mong khoảng cách được xích lại gần hơn, để trao cho nhau yêu thương nhiều hơn, sưởi ấm cho nhau nhiều hơn. Những người đang đi tìm nhau càng mong ngóng và tha thiết ngày tìm thấy nhau sớm hơn…
Mùa đông, người ta thấy trống trải lạnh lẽo tái tê bao nhiêu thì càng mong được sưởi ấm nồng nàn và gấp gáp hơn bấy nhiêu. Mùa đông, người ta mong được sưởi ấm thân thể đang lạnh cóng và run rẩy, lại càng mong được sưởi ấm cả tâm hồn luôn mà yêu thương vốn là bất tận nhiều hơn. Vì thế, mùa đông rất lạnh và rất ấm… Và mùa đông cũng rất yêu…
P/S: Tặng mùa đông năm nay bằng một một bài “văn xuôi ngắn dòng” trong phút ngẫu hứng của mình một năm về trước, trong thứ cảm xúc được gọi là “giả vờ yêu”…
Em nhớ…!
Anh nói với em, giờ anh đã biết,
Rằng trong năm, anh yêu nhất mùa nào.
Nắm tay em, chính là mùa đông đó,
Ôm thân em, anh sẽ chắn gió đông,
Mái tóc huyền, công tay em chải chuốt,
Mắt dịu dàng, anh cứ thích vuốt ve,
Giọng thầm thì, anh mang theo hơi ấm,
Cháy tim em bằng một nụ hôn nồng.
Daisy, 24.01.2010

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

28 năm ngày bố mẹ cưới nhau

08.11.1983 (âm lịch) là ngày bố và mẹ cưới nhau… Thế là đã 28 năm qua…

Con nhớ vào một ngày năm con học lớp 10, tan học, cô bạn cùng lớp của con đã rủ con vào một cửa hàng tạp hóa để mua một vài gói kẹo. Bạn ấy bảo hôm nay là ngày cưới của bố mẹ bạn ấy, nên bạn ấy muốn mua quà về cho bố mẹ, chỉ là một vài gói kẹo bằng số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình thôi. Khi ấy con thấy con thật “tầm thường” khi đi cùng bạn ấy, khái niệm “ngày cưới của bố mẹ” chưa từng tồn tại trong tâm trí của con từ trước buổi đi mua quà cùng bạn ngày hôm ấy… Và cũng kể từ giây phút ấy, con cũng thầm cảm ơn người bạn ấy khi đã giúp con biết nhớ đến một ngày đáng nhớ của bố và mẹ.
Bố và mẹ vốn là những người lao động đơn giản, lại sống ở thời mà mọi thứ vốn đơn giản hơn bây giờ quá nhiều. Cho nên những ngày kỷ niệm đáng nhớ dẫu vẫn nhớ nhưng thường hay chỉ để trong lòng, chỉ tự mình biết và nhớ thôi là cũng đủ rồi… Thế mà sao mỗi khi đến ngày sinh nhật của con lại nhớ đến thế, sao lại hỏi con muốn ăn gì, con muốn mua gì, sao lại nhớ chi tiết ngày hôm đó con đã được sinh ra như thế nào??? Trong suốt quãng đường đạp xe trên đường của ngày hôm đó, có một sự thôi thúc và đầy háo hức muốn được nghe, muốn được kể về ngày kỷ niệm đặc biệt ấy của bố và mẹ, dẫu muộn vẫn hơn không. Con còn nhớ bố và mẹ “giật mình”, thậm chí còn có lúc “ngại ngùng” khi bỗng dưng con hỏi về những kỷ niệm ấy. Và thật sự là nét mặt của bố và mẹ trông trẻ ra hơn thật nhiều khi kể lại về những kỷ niệm yêu thương ấy. Từ hôm ấy, con đã nhớ ngày đặc biệt này của bố và mẹ…
Mỗi lần con gọi điện về nhà vào ngày này, con đều hỏi bố và mẹ với cùng một câu: “Hôm nay là ngày gì, bố (mẹ) nhỉ?”, con đều nghe thấy ở đầu dây bên kia có tiếng cười giòn tan hòa tan trong một câu nói: “Bố (mẹ) chả nhớ thì không à…”, thế rồi lại mau mau hỏi han sang những chuyện khác của con. Bố và mẹ vẫn “ngại ngùng” một cách đáng yêu như thế, bởi bố mẹ vốn đã “quen sống đơn giản rồi”…
Bây giờ con đang ngồi nhớ về bố và mẹ, thấy trong lòng thật nhẹ nhàng và bình yên lắm. Có quá nhiều niềm nhớ và yêu đang đong đầy trong chiếc xô cảm xúc, nhưng con chỉ viết lại một chút thôi, như là một lới nhắc nhở mình sẽ không quên ngày đặc biệt này của bố và mẹ. Chúc bố và mẹ luôn luôn mạnh khỏe và an vui…
Chúng con yêu bố mẹ!!!
(Viết ngày 02/12/2011)

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Tháng giao mùa

Tháng giao mùa, những ngày se se lạnh của mỗi buổi sáng sớm và mỗi khi chiều về, cùng những vạt nắng vàng hanh hao không còn nồng nhiệt và sôi nổi nữa, mà chỉ khiến người ta có cảm giác bình yên nhẹ nhàng hướng nhìn về tổ ấm.
Chẳng thế mà từ tháng này trở đi, người ta thi nhau cưới. Tính riêng cho mình, chưa hết tháng mà đã có đến 7 cái thiệp mời. Có lẽ đây mùa rộn rã đi ăn cưới nhất từ trước đến giờ, mang theo trong mình những cảm giác mới mẻ hơn mỗi khi đi ăn cưới… Không còn thấy ngây ngô và bất ngờ mỗi khi có bạn nào đó alo mời cưới như một khoảng thời gian trước đây nữa. Những câu chuyện mỗi khi gặp bạn bè, người thân chỉ mới hơn một năm trước đây thôi hãy còn xoay quanh học tập và công việc, bây giờ phần lớn tập trung chỉ còn là chuyện yêu đương, cưới hỏi, gia đình. Và mỗi người, ai ai cũng như thế…
Mẹ bắt đầu “tâm sự” với mình theo kiểu với một người bạn trưởng thành ngày càng nhiều hơn, và tỏ ra lo lắng khi bảo: “Bằng tuổi này ngày xưa là mẹ đã lấy bố con rồi đấy. Con phải xem thế nào đi chứ”. Bố còn lo lắng theo kiểu rất “đàn ông” là chẳng hề hỏi han thúc giục mấy trước mặt con gái, chỉ lặng lẽ giãi bày tâm tư ấy với mẹ mà thôi. Bố mẹ yêu thương, duyên và phận còn cần phải đợi thời gian trả lời chứ nhỉ. Con không vội vã nhưng cũng không “thờ ơ” như bố mẹ đang lo lắng quá đâu. Con sẽ đi từ từ để cảm nhận đủ đầy hành trình mới của mình, bắt đầu từ những cảm giác “tò mò theo kiểu hết sức ngây thơ”, để có thể tìm và gặp “một ai đó” ở “phía cuối con đường”, và cùng người ta bước sang một con đường mới, như bố và mẹ ấy.
Điều đặc biệt của tháng giao mùa năm nay đối với mình còn là, ngoài việc nhiều bạn bè bắt đầu xây tổ ấm riêng, thì còn những biến chuyển mới mẻ theo hướng tốt đẹp hơn của một vài người bạn thân thiết đặc biệt. Khi trưởng thành hơn, tự nhiên người ta sẽ suy nghĩ khác hơn nhiều… Sẽ dành thời gian và tình cảm cho bạn bè nhiều hơn, muốn hết mình để thật sự có những điều đáng nhớ sẽ lấp đầy ngăn kỷ niệm trước khi bước sang một hành trình mới của riêng mình. Và…, hẹn gặp “một ai đó” trên con đường mình đang đi qua để gặp được nhau nhé…

"Sẽ có một ngày, từng con đường nhỏ trả lời cho tôi..."

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Một góc tôi sinh viên

-         Chủ nhật về quê thì lên sớm, tối đi ăn kem nhé cưng, Lý Toét nhắn.
-         Nhân dịp gì thế?
-         Con Trang nhắn tin cho tao, kêu chán đến phát rồ người và muốn đi chơi. Chủ nhật nó qua đây.
-         Okie, cưng.
Hôm trước tớ với Lý ngồi mở lại các file ảnh của phòng mình, 207-B3-KTX ĐH BKHN, thấy nhớ các bạn thế…


Hôm nay tớ đi làm, ngồi trên bus, chọn nghe trong list nhạc ở điện thoại của mình những bài hát ngày xưa chúng mình hay nghe và hay hát cùng nhau. Tớ cố gắng nhớ lại và lẩm nhẩm bài hát nhép mà bác Việt đã dạy cả phòng hồi năm nhất, và được cả phòng mình chọn làm “Phòng ca 207”, các bạn còn nhớ không?
(Phỏng theo nhạc trong bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”)
Mùa xuân này mẹ lên thăm con, nhớ ghé vào thăm trường Bách Khoa,
Trông xa xa đã thấy thằng con, xanh xao ốm yếu gầy gò,
Ngày xưa khi mẹ nói mày có nghe đâu con, bây giờ sáng mắt chưa?
Cơm ăn ngày năm nghìn, mà tiền tiêu mỗi tháng hết triệu
Về quê thôi con ơi, sung sướng gì mà đi Bách Khoa.
Bách Khoa không có tiền tiêu,
Bách Khoa không có người yêu,
Bách Khoa thi phải học nhiều,
Về quê hai sào lúa mày cứ chăm cho tao, cuộc đời sung sướng ghê,
Cơm ăn chẳng lo gì mà đủ tiền đi tán gái mỗi ngày,
Về quê thôi con ơi, ba má tìm cho mày nàng dâu,
Mau mau cho má thằng cu, cho tao lên chức ông bà.
Mẹ ơi, con chẳng muốn về dưới quê ăn xin, ông bà với bác cô,
Trên đây con đã có việc, làm thêm cho vui thôi, nhưng cũng đủ tiền thêm ăn tiêu,
Sau 5 năm con sẽ học xong, trên quê hương ta con sẽ làm giàu,
Mẹ ơi, đây cuộc sống của chúng con sinh viên,
Là niềm vui đẹp nhất trên đời…!!!
Các bạn còn nhớ không, mỗi lần chúng mình cùng nhau hát bài này thì bất kỳ vị khách nào đến phòng mình chơi và được nghe thưởng thức cũng đều vỗ tay giòn giã… Và hôm nay, một em nam sinh viên nào đó ngồi cùng ghế với tớ thi thoảng cứ quay sang nhìn tớ, chắc vì nó thấy tớ có lúc cứ cười rúc rích như một kẻ không bình thường.
Mới ngày nào còn lững thững núp sau lưng bố vào phòng gặp và làm quen các bạn mà giờ mỗi đứa đã một phương. Dẫu không ở cùng các bạn cho đến hết 5 năm, nhưng 207 luôn là một nơi hết sức thân thương trong tớ. Các vụ ăn chơi, hò hẹn, các bạn cũng chẳng quên gọi tớ về đi cùng…
Nhớ những ngày giáp tết của năm thứ nhất, hơn nửa phòng mình bị “Sốc” sau khi xem kết quả các môn thi học kỳ đầu tiên. Một cảnh tượng thật thảm hại mà tớ chẳng bao giờ quên được! Nhưng từ những học kỳ sau sau nữa, tất cả mọi thứ dần dần trở nên nhẹ nhàng và tốt đẹp hơn. Nhớ những buổi cùng nhau cắp sách vở lên phòng tự học của KTX để tranh chỗ ngồi, lên giảng đường trống, lên thư viện trường, và cả những buổi lê la ở mỗi bậc cầu thang KTX, mỗi đứa một góc… Để rồi từ đó lại có thêm những câu chuyện tình cảm mới nảy sinh, chủ đề không bao giờ là hết “hot” của lũ con gái chúng mình mỗi lúc ngồi ăn bỏng ngô buổi tối… Và còn nhiều, nhiều lắm…
Dẫu ở trong môi trường đông người vẫn chẳng thể tránh khỏi những rắc rối và mâu thuẫn không mong muốn, nhưng nhờ được ở trong tập thể ấy mà tớ đã khôn lớn hơn rất nhiều. Tớ học được từ các bạn cách tự chăm sóc cho bản thân hơn, dù biết nhiều lúc mình vẫn còn “vô tổ chức”. Tớ học được từ các bạn cách quan tâm và cách nghĩ cho người khác, nên tớ đỡ ích kỷ và cố chấp hơn trước đây. Còn có nhiều hơn thế trong những điều mà tớ đã học được từ các bạn nữa…
Ai đó đã nói rằng: “Người ta không thể sống bằng kỷ niệm, nhưng không thể sống thiếu kỷ niệm”. Một lúc nào đó, khi những xáo trộn không thể tránh khỏi của cuộc sống – mâu thuẫn, nỗi đau, tổn thương, mất mát – khiến bọn mình rơi vào bi quan, chán nản, thì việc ngồi lặng yên và nhớ về những kỷ niệm đã qua biết đâu cũng là một liều thuốc hữu hiệu để vá lại một tâm hồn đang rách nát, nuôi dưỡng và đong đầy nó, để nó tiếp tục được lớn lên…

(Ninh Hiệp - 2008, cười hết xảy sau đưa chị Huyền về nhà chồng)

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Ngày ngơ

Gió bắt đầu về nhiều và lạnh hơn từ ngày hôm qua, sáng nay lại có thêm chút mưa nên không khí lại càng trở nên lạnh lẽo hơn. Bừng tỉnh giấc sớm hơn mọi khi, sau một giấc mơ không đầu không cuối, chỉ biết hình như không phải một giấc đẹp, có vẻ hơi buồn, nên cũng chẳng thấy tiếc nuối. Thò tay ra khỏi tấm chăn mỏng, cảm nhận được cái không khí lạnh run người của làn gió từ quạt điện đêm qua không tắt, cộng hưởng với không khí lạnh lẽo của làn mưa và gió đang len lỏi qua kẽ hở nhỏ của cánh cửa sổ đã được đóng kín mít, lại vội vàng thu tay vào trong chăn. Một cái ngáp ngủ dài đã khiến mình thật ngại ngần không muốn chui ra khỏi chăn để vùng dậy. Muốn được lười nhác, và cứ thế lim dim mắt lại…
Cảm giác muốn lười nhác ấy còn kéo dài trong cả buổi sáng hôm nay mới sợ chứ. Chả mấy khi ngồi làm việc mà cứ như ngồi đếm thời gian như thế này. Ngày hôm nay thấy sao trôi đi chậm chạp thế, chậm hơn cả tốc độ chạy của “Rùa con”. Giờ nghỉ trưa hôm nay cũng chẳng cần tranh thủ “chợp mắt” một chút, hoặc nhắm mắt và phiêu diêu theo một bài hát nào đó vẫn thích nghe như mọi khi. Mở google và gõ một cụm từ thật ngớ ngẩn. Kết quả google hiện lên bất ngờ và ngộ nghĩnh đến mức có thể khiến cho một thứ tâm hồn dường như đang khô khéo cũng phải bật cười như một kẻ không bình thường. Tại sao một cuốn sách có nội dung hay ho như thế lại có tiêu đề hài hước và chứa đựng cái cụm từ ngớ ngẩn mà trong lúc bối rối mình đã gõ ra trong vô thức vậy nhỉ?
Vậy đấy có đôi khi, những hành động ngớ ngẩn nhất, chỉ trong một thoáng vu vơ và bối rối, trong sự vô thức của suy nghĩ, biết đâu lại đem đến cho mình những điều hay ho đến bất ngờ, một nụ cười dẫu chỉ là phù du trong khoảnh khắc ấy nhưng khi nghĩ lại về nó vẫn có thể làm người ta cười thêm một lần nữa…
Nghe từng giọt piano thánh thót rơi đều vào tai và đọc tiếp cuốn sách trên ebook đã tìm thấy lúc ban trưa, món quà của google dành cho một kẻ đang lang thang kiếm tìm một điều ngớ ngẩn không định nghĩa được… Bắt đầu cảm thấy thích thú hơn với cuốn sách này, thấy nhẹ lòng hơn, và …

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Khi một mầm sống ra đời

Entry này được viết nhân dịp sắp sinh nhật một người trong số những ai đó luôn nằm trong thế giới riêng của mình (26.10), với tựa đề “Khi một mầm sống ra đời”.


Khi một bào thai bắt đầu được hình thành, với những sợi xung quanh ăn thông với mạch máu trong cơ thể của người mẹ, tức là khi ấy một mầm sống mới bắt đầu được nảy nở, và sẽ là một sự sống mới trong tương lai của cuộc đời.
Mỗi mầm sống may mắn là được nảy nở từ bố và mẹ. Cụ thể hơn, đó là sự kết hợp từ tình cảm yêu thương và gắn bó của bố và mẹ. Kể từ khi mới nảy nở, đi qua từng ngày, từng ngày một, mầm sống cứ thế bồng bềnh ở trong cơ thể của người mẹ, lớn lên theo từng giây phút nhờ vào nguồn dinh dưỡng được chắt chiu từ mẹ. Cho tới khi mầm sống đủ lớn để mẹ có thể bắt đầu cảm nhận được sự tồn tại của nó trong cơ thể mình, thì khi ấy mầm sống còn được cả một thế giới tình cảm nâng niu, yêu thương của bao nhiêu người khác nữa. Tất cả họ đều đang bắt đầu háo hức vô cùng để mong chờ sự hiện diện của mầm sống trên đời. Trong đó, gần gũi nhất mà mầm sống có thể cảm nhận được chính là thứ tình cảm nồng nàn ấm áp của mẹ, sau đó là của bố dành cho mình.
Mầm sống an toàn và hạnh phúc trong thế giới được chở che bởi cơ thể của mẹ, luôn là người đầu tiên lắng nghe những cảm xúc của mẹ, cùng chung một nhịp điệu sống với mẹ, cũng như chia sẻ mọi hành vi, trạng thái của mình với mẹ là người đầu tiên, và luôn nhận được từ mẹ nguồn sống dồi dào phong phú nhất để an tâm hoàn thiện dần dần cơ thể của mình thành một sự sống hoàn chỉnh. Sống trong sự ấp ủ của mẹ, mầm sống cũng hạnh phúc khi thường xuyên cảm nhận được tình thương yêu và quan tâm săn sóc của bố dành cho mình, gián tiếp qua mẹ. Mầm sống rất thích thú khi muốn khoe sự tồn tại của mình, sự lớn dần lên của mình trong cơ thể mẹ. Vì thế mà nó hiểu và rất mong chờ được cảm nhận cảm giác của bố mỗi khi bố lắng nghe cơ thể nó đang động đậy, xoa xoa một cách nhẹ nhàng như muốn được mát-xa cho nó. Tất cả bố đều thực hiện gián tiếp qua cơ thể mẹ, nhưng mầm sống cảm nhận được hết, cả mầm sống và bố đều cảm giác như là họ cũng đang được sống trong nhau vậy. Mầm sống sung sướng khi được cả bố và mẹ dẫn đi trong những cuộc dạo chơi, mua sắm, ăn uống…, lúc đó tất cả họ đều cùng nhau hướng về mầm sống.
Mầm sống cũng vui mừng khi ngoài tình cảm ấm áp của bố và mẹ dành cho mình, nó còn được đón nhận bởi hàng ngàn tình yêu thương của những người thân khác nữa. Họ hay hỏi thăm cả mầm sống và mẹ, hết sức lo lắng, chăm sóc và nâng niu, chờ mong ngày đón mầm sống chào đời. Mầm sống cảm nhận được hết những tình cảm đó và cứ thế lớn dần lên cho tới khi trở thành một cơ thể sống mới hoàn thiện, chờ ngày ra đời.
9 tháng 10 ngày là khoảng thời gian thường thấy mà mẹ đã dành để ấp ủ và chở che mầm sống, bằng tất cả tình thương theo bản năng và thiên chức làm mẹ. Những cảm xúc cũng như khó khăn đau đớn của mẹ, mầm sống cũng là người đầu tiên được mẹ chia sẻ. Bởi vậy, bên cạnh tình yêu vô bờ của bố và những người thân khác, mẹ là người mầm sống đặc biệt yêu thương, tôn trọng và chờ mong được gặp mặt nhất trên đời.
Để có thể tạo cho mầm sống một sự tồn tại trên đời, 9 tháng 10 ngày là khoảng thời gian không đơn giản mà mẹ cùng với bố và những người thân yêu khác đã không ngừng chở che, nâng niu chăm sóc để hình hài mầm sống dần dần hoàn thiện và khỏe khoắn. Nhưng để mầm sống có thể thật sự được tồn tại trong thế giới mới, mầm sống hiểu rằng người có công lớn nhất mà không ai thay thế được chính là mẹ. Mẹ đã dùng tất cả tình thương và dũng cảm vượt qua muôn ngàn đau đớn để có thể đón mầm sống vươn ra ngoài thế giới. Khi mầm sống cất tiếng khóc chào đời, mẹ cũng khóc, và đó cũng là khi mẹ hạnh phúc hơn bao giờ hết…
Kể từ đó, mầm sống được cả xã hội công nhận sự tồn tại của mình trong thế giới mới, mầm sống bỡ ngỡ nhưng vẫn háo hức vô cùng với cuộc đời mình… Kể từ đó, mầm sống được gọi là con người thật sự. Kể từ đó, con người có một ngày đặc biệt đánh dấu sự ra đời của mình từ một mầm sống, gọi là ngày sinh nhật. Để rồi từ đó, vào ngày sinh nhật của mình, con người không những chỉ cảm thấy vui mừng bởi sự được tồn tại của mình, sự chào đón thế giới mới, mà còn hạnh phúc khi nghĩ về mẹ, người quan trọng nhất đã tạo ra mình trên cuộc đời. Con người được tạo ra từ một mầm sống, bắt đầu từ tình thương yêu và mãi mãi vẫn được hưởng thứ tình yêu chỉ có sự cho đi đó trong suốt cuộc đời mình… Và rồi cứ thế, lại tiếp tục tạo ra những mầm sống mới, những con người mới, cũng dựa trên những tình cảm thiêng liêng đó…
P/S: Entry này được lấy cảm hứng từ tình cảm gia đình, cũng như từ những cảm nhận bên cạnh những quan sát và chia sẻ trong thực tế, xung quanh cuộc sống thật của người thân, bạn bè mình. Có thể bài viết chưa bộc lộ một cách đầy đủ, trọn vẹn và chân thực nhất theo như những gì thuộc về nó (mầm sống), nhưng đó là cảm nhận thật nhất từ bên trong suy nghĩ và tình cảm của mình. Đây cũng là khởi nguồn cảm hứng để thay cho lời chúc mừng sinh nhật U sắp tới. Chúc U một sinh nhật ấm áp và ý nghĩa!
(Viết ngày: 24/10/2011)

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Khởi nguồn một bài học

Các bạn cùng phòng tôi ngày trước thỉnh thoảng hay gọi tôi là Rùa, đơn giản vì tôi thường chậm chạp hơn các bạn ấy. Tôi làm mọi việc không nhanh nhẹn bằng các bạn, luôn là người ăn xong cuối cùng trong mỗi bữa cơm. Thậm chí trong chuyện tình cảm, tôi cũng là đứa còn sót lại trong số 9 bạn cùng phòng KTX, rằng là kẻ chưa có lấy một “mảnh tình vắt vai” nào cho đến bây giờ. Và như một sự bất ngờ mà ông trời đã “cố ý” sắp đặt, công việc hiện tại của tôi cũng được các bạn ấy cho rằng rất phù hợp với “thuộc tính chậm chạp” của tôi…
Với nhịp độ cuộc sống hiện đại và gánh nặng về nỗi lo cơm, áo gạo tiền ngày nay, việc tăng tốc độ để có thể làm được nhanh hơn và nhiều hơn so với người khác thật sự là một xu hướng phổ biến với mỗi người, và “vội vã” đương nhiên nảy sinh như một sự tất yếu. Sự “chậm chạp” đôi khi trở nên có vẻ “không hợp thời” lắm. Nhưng xét một cách tích cực hơn, điều đó cũng giúp tôi kịp nhận ra nhiều “giá trị”, đặc biệt hơn cả là giá trị cho bài học về chữ “Nhẫn”…
Bạn có từng để ý các ông bố, bà mẹ trẻ có lúc đã bỏ ra hàng giờ để dỗ dành các em bé đang quấy khóc? Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác cầm cần câu cá, ngồi đợi liền tù tì thậm chí mấy ngày để có thể câu được một con cá? Có lẽ cũng không ít lần phải đứng xếp hàng rất lâu chờ đến lượt mình ở những nơi công cộng? Cũng đã từng có hơn một lần phải đứng mấy tiếng đồng hồ vào giờ cao điểm để chờ một chiếc xe bus dừng lại đón mình? Và đã từng trải qua những khoảng thời gian dài đến không ngờ trước để tìm được một công việc sau khi tốt nghiệp? Sẽ đôi lần chứng kiến một ai đó thật sự chân thành chinh phục trái tim của người mình yêu thương, không ngại ngần trước thử thách của thời gian? Đi qua mỗi ngày sống, còn có nhiều hơn nữa những sự việc tương tự như thế. Tất cả những điều đó chẳng phải là đều cần có chữ “Nhẫn” hay sao?
Bản thân mỗi người bình thường đều có tính kiên nhẫn vốn sẵn, bởi bắt đầu là được sinh ra, rồi học hành theo từng cấp độ từ phổ thông đến đại học, cho đến khi tìm cho mình được một công việc thật sự. Tất cả thường diễn ra theo tuần tự như thế. Khác nhau khi cho rằng người này có tính kiên nhẫn, hay kiên nhẫn hơn người kia thường được quyết định nhiều bởi quá trình rèn luyện.
Đi qua những ngày tháng trước đây, trải qua những điều không theo ý muốn khi còn đi học, và hơn cả là những thất bại đầu đời đã giúp tôi hình thành ý thức nghiêm túc hơn về bài học chữ “Nhẫn”. Cũng từ đây, tôi đã dễ dàng hơn khi biết chấp nhận những điều mà đôi khi vẫn không xảy ra theo quy luật vốn có của nó, bình tĩnh và vững vàng hơn trước nhiều, khi phải đối mặt những khó khăn và thử thách mà cuộc sống đem đến, cố gắng điều hòa tốt hơn trạng thái cảm xúc để khiến cho bản thân thấy dễ chịu ở mức độ tốt nhất có thể. Nhận ra ý nghĩa của bài học ấy, việc duy trì và rèn luyện thật sự không dễ dàng chút nào trước quá nhiều áp lực trong cuộc sống, điển hình là hiện tượng “ưa tốc độ” và “căn bệnh vội vã”. Nhưng tôi hy vọng sẽ cố gắng từng chút một để có thể “học” và “hành” tốt hơn bài học chữ “Nhẫn” này.
Như trên đã nói, tôi đã từng trải qua một khoảng thời gian không ngắn, gần 8 tháng để có được một công việc thật sự sau khi tốt nghiệp, gần bằng một năm học trên ghế nhà trường. Đó thật sự là một điều tôi chưa bao giờ tưởng tượng được khi còn đang đi học, khi cầm trên tay kết quả tốt nghiệp không đến nỗi nào, ít nhất thì cũng đủ tự tin để nghĩ rằng không khó để tìm được một công việc sau những gì mình đã cố gắng. Ấy vậy mà gần 8 tháng, tôi cứ lang thang hết phố này đến phố khác, hết công ty này đến công ty kia, cùng với các bạn của tôi, tôi vẫn tự tin lắm. Sau cùng thì, tôi luôn là người có tên trong danh sách những ứng viên không được tuyển chọn. Gần 8 tháng tìm việc, với gần 20 công ty liên tục từ chối thật sự là một cú sốc hay một “sự khủng hoảng” đối với một sinh viên mới ra trường như tôi. Có lúc tôi tuyệt vọng đến phát điên lên được bởi thực tế đang phủ nhận và lấn át dần sự tự tin của tôi, niềm hy vọng cứ vừa được nhen nhóm thì ngay lập tức bị dập tắt. Tôi liên tục phải đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng trái ngược nhau. Một mặt tự “hành hạ” mình bởi ý nghĩ “Mình giống như một thứ của nợ, một kẻ vô dụng”, mặt khác lại cố gắng tự trấn an mình rằng “Không phải! Chỉ là chưa đến lúc mà thôi”. Hai tư tưởng ấy cứ thường xuyên va chạm, xung đột lẫn nhau, thật đáng sợ. Là một người không thuộc tuýp thích an phận, tôi đã phải cố gắng điều khiển để tư tưởng thiên về phía tích cực nhiều hơn, nhưng thực tế là nhiều lúc thấy rất khó làm được như vậy. Tôi tìm đến sách. Cũng là một người sống thiên về tình cảm nên những cuốn sách về tâm lý xã hội và con người thường hay hấp dẫn tôi. Và may mắn là giữa lúc phải đấu tranh như thế này, tôi đã bắt gặp 3 cuốn sách, như chiếc phao cứu sinh của một kẻ sắp chết đuối, giúp tinh thần của tôi dần dần được hồi phục, và tiếp tục được nuôi dưỡng. Ba cuốn sách đó là “Sức mạnh của lòng kiên nhẫn” của M.J Ryan, “Hoa hướng dương không cần mặt trời” của Triệu Tử Khâm, và “Đi ra từ bóng tối” của Dave Pelzer. Đọc một cuốn sách và đưa được những ý tưởng và thông điệp của nó vào đời thực của mình thật sự rất khó, không dễ như việc đọc đơn giản chỉ là để đọc, và để rồi lãng quên mà thôi. Nhưng khi đọc ba cuốn sách đó, tôi thật sự đã khóc rất nhiều…
Tôi không còn trách “ông trời”, không tự ti với mọi người và tiếp tục hành trình tìm việc của mình, cũng như từ từ học cách “biết chờ đợi” và không ngừng hy vọng. Bố mẹ tôi vì thương tôi, lo tôi chán nản sẽ sinh xì-trét quá mức nên tiếp tục đầu tư cho tôi học khóa tiếng Anh mà tôi đã thích từ lâu. Bạn bè, đặc biệt là Lý Toét và Thái Mèo cũng góp phần hỗ trợ cho tôi về mặt kinh tế và tinh thần trong khoảng thời gian này. Tự đáy lòng mình, tôi biết ơn họ rất nhiều. Bạn bè vẫn liên lạc để hỏi thăm và giới thiệu các chỗ làm cho tôi, các bạn ấy, đặc biệt là “anh trai” Nguyễn Uy Vũ còn hào phóng nạp tiền điện thoại cho tôi nhân các dịp nhận tiền lương để chúc tôi may mắn. Những tình cảm ấy, tôi sẽ luôn ghi nhớ…
Đến khi tôi có chút kiến thức trong bài học chữ “Nhẫn” cũng là lúc tôi có được một công việc thật sự. Khỏi phải nói, tôi đã phát điên lên như thế nào vì sung sướng. Công việc của tôi và nơi tôi làm việc, dẫu “không được như mơ”, không “lý tưởng” như nhiều bạn khác, nhưng nó thật sự có ý nghĩa rất lớn lao đối với riêng tôi. Đương nhiên, nó là phương tiện để tôi có thể thật sự bắt đầu tự lập hơn trong cuộc sống. Nhưng còn điều tôi thấm thía nữa là, như một sự sắp đặt cố ý của ông trời, công việc này thật sự đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và kiên nhẫn. “Có việc gì đó để làm” là không quá khó đối với hầu hết mỗi người, nhưng công việc ấy khiến mình cảm thấy như thế nào, có thật sự thấy mình được “sống” với nó hay không khác với “làm chỉ là để làm” mà thôi. Thực tế là, đa số người ta phải chấp nhận “thích những gì mình làm” hơn là có cơ hội được “làm những gì mình thích”. Công việc của tôi liên quan đến tư vấn Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó việc biên dịch tốt các sáng chế thuộc chuyên ngành tôi theo học là một yêu cầu quan trọng trong quy trình giúp khách hàng được cấp và bảo hộ quyền sáng chế của mình. Việc chuyển ngôn ngữ của một tài liệu kỹ thuật vốn “cứng nhắc” và đôi khi phải theo những thể thức nhất định yêu cầu phải đảm bảo tính “chân – thiện – mĩ”, tức là cần chính xác, chân thực và càng làm nó mềm mại để “dễ đi vào lòng người” được bao nhiêu thì càng tốt. Có những lúc, cả ngày không dịch được một đoạn vì chưa hiểu nội dung và tìm được cách diễn đạt phù hợp. Nhưng sự kết hợp giữa tư duy kỹ thuật, tính logic của thể thức luật cùng với việc chuyển thể ngôn ngữ khiến tôi rất thích thú. Đó cũng là điều kiện đầu tiên cần có nếu muốn trở thành một chuyên viên thực thụ sau này. Tôi nhận ra rằng, dẫu muộn màng nhưng tôi đã nhận được một công việc tương đối phù hợp với tính cách, sở thích và sở trường của tôi, và đó cũng là một sự may mắn. Ít nhất thì trong một tương lai gần nhất, tôi chưa có ý định thay đổi và cũng có kế hoạch riêng của mình…
Bài học về chữ “Nhẫn” cũng giúp tôi có niềm tin hơn trong việc nuôi dưỡng tình cảm và hy vọng về một tình yêu thật sự, đúng như ý nghĩa thiêng liêng của nó vậy. Có thể tôi sẽ gặp không ít những điều không suôn sẻ, nhưng bằng niềm tin và sự chân thành để hướng đến “cái đích thực” ấy, tôi vẫn tin rằng cuối cùng mình sẽ tìm được “một ai đó”, cũng sẽ chấp nhận tôi bằng niềm tin và sự chân thành như thế, theo “sự sắp đặt cố ý” nào đó của ông trời.
Suy cho cùng, mục đích cuối cùng của mỗi con người là có được sự viên mãn, thảnh thơi và bình an nơi tâm hồn. Điều đó thật sự không phải tự nhiên ai cũng có được. Đó là cả một hành trình đấu tranh, nhận thức và điều biến, cố gắng và rèn luyện không ngừng nghỉ để có thể cảm nhận được cảm giác “chiến thắng”, đặc biệt là “chiến thắng chính mình”. Và trong hành trình ấy, chắc chắn không thể không kể đến cần phải có chữ “Nhẫn”.

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Hồn quê

Kết thúc 2 ngày cuối tuần nhưng dư âm, dư vị của hai ngày này vẫn còn phảng phất. Bỗng dưng muốn ghi lại một chút gì để nhớ, để thương, để yêu mến nhiều hơn…
“Đã hết rồi ngày nắng chói chang, lúa đã vàng tỏa ngát hương đồng…” Cơn bão đi qua, thời tiết hào phóng khi ưu ái cho 2 ngày cuối tuần bằng sắc thu trong xanh, bằng làn gió nhè nhẹ pha chút se lạnh, bằng những vệt nắng vàng chỉ đủ ấm áp để xoa dịu làn hơi se lạnh của gió. Những cánh đồng mới hôm nào còn xanh ngát màu lúa mới trổ đòng, mới đây xem ra đã lần lượt thi nhau khoe màu áo mới, vàng ươm và trĩu nặng dần dần trên khắp các ruộng đồng, trải dài trên con đường về quê quen thuộc. Trong lòng thấy phơi phới và ấm áp khi lướt xe qua con đường thân quen ấy. Xuyến chi trắng vẫn đang rộ nở, tựa như hai dải lụa trắng mềm mại dải đều khắp hai bên đường trông thật đẹp mắt. Xa mùi khói xe trên những con đường nhộn nhịp của thành phố, làn gió chiều nơi đây thổi vào khướu giác một hương vị thoang thoảng, mát lành tỏa ra từ những bông lúa đang thi nhau chin vàng; thi thoảng lại bắt gặp thêm mùi ngai ngái hay ngọt xớt của những cọng rơm đang phơi dở hoặc vừa mới được ngả ra. Hương vị và màu sắc đặc trưng của làng quê, vùng đất đã nuôi dưỡng lũ chúng tôi, bỗng nhiên rót vào từng dòng chảy của cảm giác bình an, ấm áp…
Hai ngày cuối tuần này cũng là hai ngày thật vui vẻ, vào đúng dịp cụm những làng ven sông Cà Lồ tưởng nhớ đến vị Thành Hoàng làng. Về cùng với mình, Trang và Lý Toét đã được dịp cùng ngược dòng thời gian trở về những ngày thơ ấu, cùng làm những “trò” hết sức thân quen của lũ trẻ trong làng mình ngày xưa. Vào Đình, ra Chùa cùng bà ngoại và làm lễ như tất cả con dân trong làng; hăm hở nghe các chương trình văn nghệ từ “cây nhà lá vườn” đến quan họ “chuyên nhiệp”, nhưng cái chính là để ngắm nghía không khí của làng quê nơi đây, để thấy rằng quê mình đang đổi mới hơn thôi. Dễ thương nhất là, dẫu trong đây, có đứa đang sắp “theo chồng bỏ cuộc chơi”, vậy mà cả lũ vẫn “hồn nhiên” và hớn hở cầm “que kem tình yêu” (kem bông) và cứ thế ăn một cách ngon lành, dưới một số ánh mắt ngạc nhiên đầy thích thú của các cháu nhi đồng, của cả một vài anh “trai làng” nữa chứ. Trong khoảnh khắc ấy, dường như chẳng đứa nào muốn nghĩ rằng mình đã ngoài hai mươi tuổi từ bao giờ rồi ấy… Thích cảm giác này biết bao nhiêu!
Trở lại với phố phường, với những dự định còn đang dang dở, nhưng vẫn luôn mang theo hình hài của nơi yêu dấu này. Vẫn về thăm hàng tuần, hàng tháng và vẫn luôn mang theo tình cảm thân thương, ấm áp của mảnh đất này…

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Trung thu trong tuổi thơ tôi

Lại một trung thu nữa lại đến. Ngoài 20 tuổi, xa rồi cái tuổi háo hức đón chờ ngày tết trung thu như hồi còn bé. Thế nhưng, năm nào cũng thế, ra ngoài đường, nhìn thấy không khí vui nhộn của ngày tết thiếu nhi hàng năm, tôi vẫn thấy trong tôi reo lên một cảm xúc thật lạ kỳ. Có lúc rạo rực một mộng mơ theo kiểu “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”; lúc lại mộng mơ theo kiểu “người lớn” hơn nhiều lắm khi nghĩ đến một tương lai rất gần nữa thôi của bản thân tôi…
Tết trung thu của bọn trẻ con “nhà quê” chúng tôi ngày xưa đơn giản lắm, nhưng cũng rất vui nhộn. Cứ gần đến trung thu là đứa nào cũng háo hức, mong ngóng vô cùng, nhất là mỗi khi qua hàng tạp hóa trông thấy đủ thứ đồ chơi rực rỡ, thấy bánh trung thu hấp dẫn được trưng bày. Nhà bạn nào có điều kiện hơn sẽ được bố mẹ sắm cho đèn lồng, đèn ông sao, vương miện nữ hoàng, mặt nạ công chúa, mặt nạ tôn ngộ không; không thì đến chiếc hộp xà phòng cũ rích được đục lỗ ở 2 bên, vừa đủ để xuyên qua một chiếc que dài, cùng với một cây nến nhỏ được thắp sáng bên trong cũng trở thành một chiếc đèn lồng xinh xắn làm đồ chơi trung thu; và còn nhiều thứ khác giản dị lắm kiểu như thế… Anh em chúng tôi thường tích trữ hạt bưởi khô được bóc vỏ ngoài từ rất sớm và xâu thành từng chuỗi hạt dài bằng dây thép mảnh, để dành đến trung thu sẽ đem ra làm pháo đốt. Âm thanh xèo xèo, lách tách reo vui, ánh sáng vàng xanh lấp lánh, cùng với mùi tinh dầu bưởi thơm phức phả ra từ “tràng pháo” đang cháy sáng khiến cho chuỗi hạt bưởi khô của lũ chúng tôi bỗng dưng trở thành một thứ đồ chơi thật lung linh kỳ diệu. Ngoài đường tấp nập trẻ con khoe đồ chơi, ca hát rộn ràng, nô nức cùng nhau ra Đình làng nhận kẹo bánh trung thu… Đó là những kí ức tươi đẹp mà tôi hay những người bạn khác cũng giống như tôi có lẽ chẳng thể nào quên được. Và thế là từ những kỷ niệm đó thì mộng mơ “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” như kiểu của tôi cũng là hết sức bình thường thôi.
Trung thu bây giờ khác xưa nhiều lắm, đủ đầy hơn. Thế nhưng có một điều chung là trẻ con vẫn thích, vẫn háo hức mong chờ lắm. Dù sao đó cũng là dịp chúng được ông bà, bố mẹ và người than quan tâm đặc biệt hơn, nhất là trẻ con ở thành phố. Mấy năm học đại học và giờ đã đi làm, cứ mỗi dịp tết thiếu nhi như thế này, không khí tươi vui và rộn ràng ở đường phố Hà Nội mới náo nức làm sao. Đi giữa dòng người đông vui vào những buổi tối thế này, trong tôi rung lên những cảm xúc thật kỳ lạ. Tôi thường nhớ bố mẹ và anh em chúng tôi, nhớ những điều dung dị xinh xắn của tuổi thơ tôi. Và trước sự choáng ngợp bởi đủ thứ màu sắc rực rỡ lung linh trên phố, tôi mong tìm lại được chút gì trong trẻo như tuổi thơ tôi. Tôi cũng lại mơ về một ngày không xa nữa, khi tôi trong vai trò là một người khác hơn bây giờ, giống như các ông bố, bà mẹ trẻ cùng với những đứa con của họ trên đường phố mà tôi đang thấy…
Có một sự may mắn và thích thú đặc biệt của trẻ con thành phố vào những ngày tết thiếu nhi này mà đã trở thành một mong ước xa xỉ của tôi từ nhỏ, thứ mà tôi chỉ được biết qua trang báo “Thiếu niên tiền phong” mà thôi. Chỉ tới khi tôi ra thành phố học, tôi mới được chứng kiến tận mắt và vẫn thường không quên “làm thỏa mãn” cho ước mơ xa xỉ từ thuở bé của mình. Nếu có dịp đi qua các sạp hàng của Nhà xuất bản Kim Đồng vào những dịp tết thiếu nhi, bạn sẽ thấy những gian hàng đầy sách và truyện thiếu nhi được bày bán và giảm giá đặc biệt. Bạn sẽ thấy rất nhiều ông bố, bà mẹ dắt hoặc không dắt theo những đứa con của họ đến chọn lựa sách để tặng cho con cái họ, sẽ nghe thấy họ trao đổi với nhau rằng nên chọn quyển này hay chọn quyển kia. Bạn sẽ thấy rất nhiều bà bầu cùng nhau đi mua sách để chuẩn bị những kỹ năng làm mẹ của mình, họ trao đổi, họ cười giòn tan. Bạn cũng sẽ thấy một vài kẻ giống như tôi, lướt qua các sạp hàng, tranh thủ đọc đọc, xem xem đủ thứ sách truyện hấp dẫn, màu mè, có lúc thấy đôi chút “ngượng ngùng” khi được hỏi “Em muốn tìm sách về kỹ năng gì, cho trẻ hay cho em?” hay những câu hỏi khác đại loại như vậy. Như một thói quen hay sở thích, năm nào cũng thế, nếu có dịp đi qua những chỗ như thế này (62 Bà Triệu), thế nào tôi cũng dừng lại, hòa vào những nhóm người đang đứng chặt hết các gian hàng giảm giá, để mong làm thỏa mãn mơ ước xa xỉ thuở bé mà giờ mới được chạm đến, để mong tìm lại những cảm xúc trong trẻo của một thế giới xinh xắn mới đang bắt đầu nhú mầm và nảy chồi. Nếu trong bạn đang nặng trĩu những ưu tư, thì chỉ cần dừng lại đây một chút thôi, biết đâu đấy bạn sẽ tìm được một cảm giác gì đó vừa rất đỗi thân quen lại vừa mới mẻ, thư thái và thênh thang… Và cứ mỗi lần như thế, tôi cũng hay bị mê theo, thế nào cũng mua một vài cuốn sách truyện, cho tôi, cho các em tôi, cho các cháu của tôi…, đơn giản là vì thích mà thôi…
Thế có nghĩa là trung thu chẳng phải chỉ có trẻ con mới thích, bởi một kẻ đã được mang tiếng là “người lớn” như tôi cũng vẫn còn thích thú, theo một cách riêng thôi…
P/S: sáng nay rằm tháng 8, Hà Nội trời mưa tầm tã, hy vọng chiều tối nay bầu trời sẽ quang đãng để có một trung thu trọn vẹn hơn…

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Dấu chấm và những người bạn

Một buổi chiều nọ, dấu chấm hỏi và dấu chấm cùng nhau đi dạo trong công viên. Cả hai cùng nhau ngồi nghỉ tại một chiếc ghế đá, hướng về phía mặt hồ.
Dấu chấm hỏi nói với dấu chấm: “Dấu chấm ơi, anh hãy kể cho tôi nghe một chút về anh và những người bạn của anh đi.”
Dấu chấm mỉm cười: “Được thôi!. Như cô thấy đó, người ta hay nhìn thấy tôi khi tôi đánh dấu cho một kết thúc. Nếu là một kết thúc tốt đẹp, người ta thấy vui và chẳng mấy khi để ý tiếp theo dấu ấn đó là gì, bên cạnh dấu ấn đó có gì. Còn nếu là một kết thúc không mong muốn, người ta buồn khổ và cũng ít khi quan tâm đến những thứ kia. Nhìn chung, họ chỉ đánh giá tôi là đại diện cho một kết thúc, lúc vui lúc buồn. Nhưng cô cũng thấy đấy, giống như trong một đoạn văn, tôi là kết thúc của câu trước, nhưng cũng là khởi đầu của câu sau đấy chứ. Câu sau nối tiếp câu trước để làm nên một đoạn văn hoàn chỉnh. “Chấm” không hẳn tức là “hết””.
“Còn những người bạn của anh thì sao?” Dấu chấm hỏi hỏi tiếp.
“Dường như tôi chẳng thể tồn tại trọn vẹn nếu thiếu họ bên cạnh. Có thể cô bắt gặp tôi quá nhiều, một sự lặp đi lặp lại thật giản đơn, chỉ có bắt đầu và kết thúc. Nhưng nếu để ý kỹ hơn, cô sẽ thấy, trong hành trình từ bắt đầu đến kết thúc của tôi, dấu phẩy thường hay song hành. Nhờ có dấu phẩy, chuỗi hành trình của tôi không quá đơn giản mà được nối tiếp nhau bởi một xâu chuỗi phức tạp. Đó thật sự là một dãy khó khăn mà dấu phẩy đã giúp tôi trải qua đấy chứ.”
“Anh kể tiếp đi”. Dấu chấm hỏi vẫn chăm chú lắng nghe.
“Đôi khi tôi cần những dấu chấm lửng, bởi quả thật nhiều điều tôi không lý giải được, hoặc, bởi còn nhiều suy nghĩ khác nhau mà mỗi người có thể tự suy ra. Tôi để lửng để nghĩ tiếp hoặc để ai đó tự hiểu mà thôi…”
Dấu chấm tiếp: “Tôi cần dấu hai chấm để cô ấy liệt kê cho tôi, giải thích cho tôi những hành vi trong hành trình của mình. Nếu nghĩ một cách đơn giản, chắc tôi sẽ luôn cho rằng tôi đúng và đổ lỗi cho người khác mất thôi. Cô ấy rất có tài quan sát, chân thành và tỉ mỉ, nên tôi tin tưởng cô ấy. Ngoài ra, tôi cũng rất cần cô dấu chấm than bên cạnh để những cảm xúc trong tôi có lúc được thăng hoa. Cô biết đấy, nếu chỉ đều đều, khe khẽ cái hành trình mở đầu và kết thúc với một mình tôi, có lẽ tôi sẽ phát điên lên lúc nào không biết. Có dấu chấm than bên cạnh, tôi biết cảm thán, biết xuýt xoa, biết tỏ ra sung sướng hay phẫn nộ. Mỗi trạng thái là mỗi cung bậc khác nhau của ngữ điệu, của cảm xúc…
“Anh có muốn kể cho tôi thêm về một người bạn nào khác nữa không nhỉ?” Dấu chấm hỏi hỏi tiếp.
“Đương nhiên tôi không thể bỏ qua một người bạn rất ý nghĩa nữa. Không ai khác, chính là cô đấy, dấu chấm hỏi ạ. Cô thật chăm chú và sáng tạo bởi luôn biết quan sát để đặt ra những câu nghi vấn, không ngừng học hỏi về những điều chưa biết. Ở bên cô, tôi cảm thấy mình cũng được vận động theo, để từ đó đi tìm những lời giải đáp, và cũng để không làm mất dần sự thiếu quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Cảm ơn cô!”
Thế rồi dấu chấm và dấu chấm hỏi nhìn nhau mỉm cười. Sau đó họ đứng dậy khỏi ghế và cùng nhau đi dạo tiếp…

Ru ta buổi chiều

Chiều xuống, hoàng hôn lên, sắc đỏ diệu kỳ và bí ẩn… Không nên bỏ qua một buổi chiều như thế này khi cứ ru rú, chon chân quanh quẩn mãi ở góc sân nhà mình chứ.
Dắt xe đạp ra khỏi cổng, lướt qua một vòng khắp đường làng quanh co, qua cánh đồng vừa mới hôm nào còn trơ gốc rạ giờ đã được phủ dày bởi một màu xanh non mượt mà của lá mạ. Gió bắt đầu vi vu thổi. Cả ngày hôm nay gió lẩn trốn bằng khí trời oi bức, giờ mới thả sức mà lan tỏa. Bờ đê trải dọc theo đường làng mình giờ này nhộn nhịp quá, người ta mua bán chợ chiều, người ta hóng gió, người ta xong việc ở ngoài đồng ruộng, bọn trẻ con đứng dưới triền đê thả diều, người lớn giục giã trẻ con đi về nấu cơm… Những âm thanh cứ thế trộn lẫn vào nhau, tưng bừng quá! Dừng xe đứng ở một góc trên đê, phía đối diện với cổng Đình làng, ngắm nghía… Thi thoảng, lại gặp một bà lão, cất tiếng chào, mũi phập phồng khi nhận được một lời “khen” dễ thương và mộc mạc, kiểu như: “Cha bố mày, đã lớn dư này rồi cơ à? Không nói thì ta cũng chả biết đứa nào. Thế con học xong chưa?” Đấy, đại loại là những câu như vậy. Gặp mấy phụ huynh của lũ bạn ngày xưa: “C về đấy à cháu?” Thi thoảng bắt gặp mấy chị bạn, mấy cô bạn ngày xưa. Người thì mặt đang hây hây rạng ngời, phúng phính với một bộ đồ có sức che chở cho cả 2 cơ thể sống, lại véo một cái rõ “yêu” lên má mình “cho cô chóng được như chị nhá”. Người thì đang hớn hở, tay bế tay bồng, thi thoảng trỉ trỏ, miệng liên hồi dạy cho “thiên thần nhỏ” bi bô những câu nói từ đơn giản nhất, những hành động dễ thương đến ngất ngây: “Con yêu cô một cái để đi tiếp nào!”, và cậu bé (cô bé) cũng chẳng ngại ngần gì khi làm theo lời mẹ, hào phóng trao đi “cái yêu” ấm áp lên má của một người gặp bên đường…
Gió vẫn thổi vi vu, mặt trời đỏ đang khuất xa dần, trăng bắt đầu lên, đạp xe về, thầm hát một bài hát, không cất lên thành tiếng, chỉ đủ để lòng mình “nghe” được…

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Những kỷ niệm biết nói...

Tôi nghĩ rằng sẽ không ít lần nhiều người khác cũng giống như tôi, khi chỉ có một mình với khoảng không gian vô định vô hình, sẽ có lúc “lục lọi” và tìm lại những “kỷ niệm biết nói” để rót đầy khoảng trống này bằng đủ thứ cảm xúc hòa tan trong nhau.
Những “kỷ niệm biết nói” đó có thể là những bức ảnh ghi lại những ngày bạn cùng những người yêu mến đã cùng nhau trải qua; có thể là những cuốn lưu bút thuở ngày xưa; hay là những trang nhật ký, những món quà nhỏ xinh, những tấm bưu thiếp với những lời nhắn gửi, chúc mừng đầy tình cảm của những người yêu mến bạn… Chắc chắn là khi đó bạn sẽ ít nhiều thấy được “giá trị” từ những “kỷ niệm biết nói” này.
Giống như nhiều người khác, tôi cũng thích chụp ảnh cùng với bạn bè và người thân vào những ngày kỷ niệm hay bất cứ một dịp nào khác có thể. Giờ đây, khi chiếc máy ảnh đang ngày càng trở thành một thứ đồ phổ biến với mọi người, thì việc chụp ảnh càng trở nên dễ dàng và thường xuyên hơn ở bất kỳ nơi nào bạn có mặt.
Bạn thường thấy các ông bố, bà mẹ rất thích chụp ảnh và ghi hình những đứa con của họ từ lúc các em bé ấy mới chào đời, đến từng ngày từng ngày một họ chăm chút, nuôi nấng và yêu thương chúng. Và bạn chắc cũng để ý thấy nét mặt rạng ngời hạnh phúc cùng những nụ cười viên mãn của họ mỗi khi xem lại những khoảnh khắc này, hay khi họ chia sẻ chúng với những người thân của họ. Chừng ấy thôi chắc hẳn cũng là một động lực quan trọng để họ ngày càng làm trọn vẹn hơn chức phận của mình dành cho con cái…
Những khi chỉ có một mình, tôi cũng thường giở lại những bức ảnh cũ ra như thế. Ít nhất thì trong cái khoảnh khắc cô đơn ấy, chúng cũng khiến cho tôi biến sự trống trải lúc ấy trở thành thứ gì đó như kiểu chỉ là phù du thôi… Tôi thấy mình trẻ lại, cũng vui vẻ và yêu đời đấy chứ. Tôi thấy nhớ những người tôi yêu mến, dù chẳng thường trực ở bên tôi mọi lúc, mọi nơi nhưng tôi biết, họ sẽ luôn ở bên tôi mỗi khi tôi thật sự cần…
Tôi có thói quen cất giữ đủ mọi thứ linh tinh và vụn vặt mà tôi có, hoặc từ người khác cho tôi. Những thứ ấy ngày càng chiếm nhiều diện tích của căn phòng nhỏ. Hồi bé, nhiều lần tôi giãy nảy lên vì giận mẹ khi bà phải mất công dọn phòng cho tôi, mang đi nhiều thứ được giải thích là “không quá cần thiết” để giữ lại. Học hết câp 3, tôi mới đồng ý giải phóng phần lớn chồng sách vở cấp 1, cấp 2, một vài của cấp 3, toàn bộ các bài kiểm tra ở các lớp thì tôi vẫn giữ lại. Tôi cũng gói ghém những món quà được tặng từ ngày còn bé từ những người bạn, những người thân khác cùng với những tấm thiệp chúc mừng. Thỉnh thoảng nhàn rỗi hay buồn chán, tôi lại giở lại những thứ linh tinh kia ra, mân mê chúng, có lúc tự dưng bật khóc hoặc bật cười như một kẻ không bình thường. Có lúc tôi cảm thấy ngay cả từng tế bào nhỏ trong tôi cũng phải rung lên nhảy nhót bởi đang được rót vào từng giọt, từng giọt cảm xúc phức hợp hòa quyện trong nhau. Giờ đây, khi có điện thoại di động, tôi biết không ít người cũng thường không lỡ xóa đi những tin nhắn ngọt ngào tình cảm của bạn bè, người thân, người yêu gửi đến. Và thế là những lúc như thế, ít nhất tôi lại thấy mình ý nghĩa, lại thấy mình tự tin trong hiện tại…
          Tôi chỉ là một người bình thường có bộ não với trí nhớ thật hạn hẹp. Nhưng bù lại sự hữu hạn đó, tôi thường cứ thế lưu giữ những “kỷ niệm biết nói” này, và tìm lại chúng bất cứ khi nào tôi cần...

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Nếu gặp mèo ú...

Có lẽ trong chúng ta, ai cũng đã từng trải qua một tuổi thơ ít nhiều gắn liền với những cuốn truyện tranh về Mèo ú Doremon, và cũng đều thích thú và tò mò về những "bảo bối" của Mèo ú. Trong những bảo bối ấy, đương nhiên phải kể đến Cỗ máy thời gian.

Có khi nào bạn đang làm việc và bỗng phát hiện ra rằng bạn thực sự có, và có thể làm được những thứ mà trước đây bạn chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể? Để rồi, trong một thoáng vu vơ suy nghĩ lúc nào đó, bạn chợt nảy ra một ý tưởng nào đó, dù là một ý tưởng hơi "điên rồ" một chút, hoang đường một chút..., nhưng ít nhất thì trong khoảnh khắc ấy, bạn thật sự cảm thấy thích thú và hưng phấn? Cũng như tôi bây giờ, đang tưởng tượng mình có thể gặp được Mèo ú Doremon để mượn cậu ta "Cỗ máy thời gian", để quay về quá khứ, để có thể "thử nghiệm" những điều tôi mới phát hiện ra nếu chúng được biết từ sớm hơn rất rất lâu rồi thì bây giờ tôi sẽ như thế nào?

Nếu Mèo ú đưa tôi trở lại quá khứ, tôi sẽ ít nhất một lần thử đi thi môn Văn như cô giáo chủ nhiệm đã từng khuyến khích, thay vì cứ nhất nhất phải là Toán, Lý, Hóa mới là "đẳng cấp", dù bản thân tôi thừa biết, tôi thua kém xa các bạn trong cùng nhóm. Lên cấp 3, tôi sẽ chọn khối D để học thay vì cứ phải là khối A, bởi hai hình mẫu trước tôi là chị họ và anh trai cũng thế. Thi đại học, tôi sẽ chọn một trường để được học những môn học về Khoa học xã hội thay vì một trường với "đậm đà bản sắc kỹ thuật" như ngôi trường mà tôi đã gắn bó suốt 5 năm dùi mài. Và vì thế, công việc của tôi hiện tại, có lẽ sẽ khác hoàn toàn so với công việc của tôi khi này... Nghe có vẻ như là hai đối cực hoàn toàn của hai con người khác nhau ấy nhỉ? Nhưng quả thật, tại thời điểm này, tôi thật tò mò về những điều mình vừa nghĩ tới, nếu đặt nó vào cùng những thời điểm như những thời điểm tôi đã lựa chọn và trải qua, không biết bây giờ tôi sẽ như thế nào?

Muốn gặp Mèo ú để mượn Cỗ máy thời gian, trong lúc này, không có nghĩa là tôi đang hối tiếc hay chán ghét hiện tại của tôi, hoàn toàn không phải. Chỉ bởi tôi chợt nhận ra những thứ thuộc về tôi nhưng tôi chưa biết và chưa khi nào nghĩ là tôi có mà thôi. Và tôi cũng nhận ra rằng, nếu như bố mẹ tôi cũng may mắn được đi học đầy đủ như tôi, được hưởng một sự giáo dục mà họ đã đánh đổi mồ hôi, nước mắt để dành cho tôi, thì chắc chắn, trên con đường đi tới tương lai của tôi, họ sẽ còn góp phần chắp cánh và định hướng một cách phù hợp hơn với những gì thuộc về tôi, trong đó bao gồm tính cách, sở thích và ưu điểm của tôi.... Và tôi mong rằng trong một tương lai không xa nữa, người mà ngày nào đó tôi sẽ gọi là ... "chồng", sẽ cùng với tôi làm được điều mà bố mẹ tôi chưa thể làm được cho tôi, để dành cho những "chồi non mới" của chúng tôi...

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Một thoáng quê em

Tha thẩn vào khi cả miền nhớ đang được nhuốm đầy và trở nên ứ đọng, tắc nghẽn bỗng nhiên phát hiện thấy một vẻ đẹp nguyên sơ mà bình thường chẳng mấy khi để ý…
Buổi sáng qua đường tàu quen thuộc. Sau cơn mưa, mọi vật trông thật mới lạ và tươi tắn. Những giọt nắng sớm đầu tiên tỏa xuống, chỉ vừa ửng lên màu vàng nhạt để làm nền cho ban mai đang dạo những khúc hát khởi đầu ngày mới. Có vẻ như sau những chuyến du ngoạn tưng bừng đầu hạ cùng với mặt trời thì nắng cần chút thời gian nghỉ ngơi để nhường chỗ cho những cơn mưa rào tưới tắm cho vạn vật. Còn vấn vương đâu đó trên những sợi cỏ, cành cây bên đường là những giọt nước mưa của đêm hôm trước, thi thoảng bắt gặp làn gió nhẹ lại khẽ đu đưa theo cành cây, chiếc lá, có lúc lại mải mê theo gió để rồi tan biến…
Hai bên đường tàu là đá sỏi, và trải dài cùng theo hai bên là cánh đồng xanh thẳm. Để khiến cho đường tàu không trơ trọi, xen lẫn cùng sỏi đá là những khóm cỏ dại xanh và những rặng xuyến chi li ti đua nhau nở toát lên một màu trắng tinh khôi. Cạnh đó, phía trước, nhìn về một bên của đường tàu, Núi Đôi lan tỏa thêm một màu tươi mát…
Và trên nền của bức tranh ấy, điểm nhấn nổi bật là một cặp cô dâu-chú rể đang cùng nhau tạo kiểu cho những tấm ảnh cưới của họ, dọc theo con đường tàu trải dài bất tận, như để minh chứng cho ước vọng về một tình yêu vĩnh cửu của hai người…
Không có mặt hồ trong xanh, không những hàng cây cổ thụ, yêu kiều bên cạnh con phố đông vui, không những tòa nhà cao sang…, chỉ có một con đường bất tận được điểm tô bằng vẻ đẹp nguyên sơ…
(Viết ngày 03/05/2011) 

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Phố một ngày cuối xuân

Lướt phố dạo này thường bắt gặp những hàng cây giống như những cô gái trẻ đang thi nhau trang điểm sau một thời gian dường như không hay “trải chuốt”, hay là đang muốn thay đổi phong cách trang điểm mới của mình?
Ngỡ ngàng trước những tấm áo mới mà tạo hóa đang khoác lên những hàng cây mới ngày nào còn khẳng khiu, trơ trụi. Những cây bàng hãy còn vấn vương chút sắc đỏ của mùa thu, rồi qua mùa đông nữa, và những tấm áo màu xanh non nuột nà tươi mới đang bừng lên dần dần trở thành điểm nhấn nổi bật nhất.
Sau những ngày “rầu rĩ” cùng những cơn mưa lạnh mùa xuân, khi những giọt nắng vàng ấm áp trở về, cũng là lúc những cây lộc vừng thi nhau may áo mới. Một màu vàng rực rỡ bao trùm lấy cả tấm thân như sự vui mừng khôn xiết vì được khoe mình trong ngày nắng dịu dàng, dưới nền trời trong xanh cùng với nhịp điệu rộn ràng của vạn vật bên mình. Lộc vừng trổ lá như mang đến một niềm vui mới, như một hiện hình của may mắn, sung túc và bình yên.
Có một loài hoa rất lạ, tên chẳng thấy có điệu vần, chỉ hiện ra mơ hồ thoáng một ít ngày ngắn ngủi rồi lại bay vào hư ảo. Cây buông từng cành tuyết phiêu du gợi những nỗi nhớ day dứt, khôn nguôi. Hoa Sưa âm thầm nở, âm thầm trắng và lại âm thầm rơi, chỉ trong một mùa xuân, giống như là một cô gái tình cờ bắt gặp người mình yêu thương, âm thầm nhớ, âm thầm trang điểm để tìm gặp người yêu, và rồi âm thầm tan vào hư ảo mà vẫn thấy vấn vương trong nắng…
Dường như không thể kiên nhẫn đợi đến mùa hè thực sự mới được khoe áo mới, thi thoảng thoáng bắt gặp những tán bằng lăng bắt đầu diện ấm áo mới tinh màu tím biếc yêu kiều, nổi bật trên màu xanh của lá. Đôi lúc lại tự trang điểm cho mình bằng những “chiếc khuyên tai” lủng lẳng nơi đầu cành, như một sự vấn vương với mùa đông…
Đó là đôi chút cảm nhận về những hình ảnh trên những con phố quen thuộc mà hàng ngày mình vẫn lướt qua. Muốn điểm lại một chút thôi để có thể tưởng tượng ra một bức tranh đủ để làm sống dậy những ngày cuối mùa xuân…
(Viết ngày 06/04/2011)

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Mùa yêu

Ba tấm thiếp mời đám cưới được gửi đến trong cùng một ngày. Uh, thì ai bảo mùa này đang là “mùa yêu”?
Mùa yêu, những người tuổi từ cập kê mình trở lên đang thi nhau cưới. Mùa yêu, hay bắt gặp trên đường phố rộn ràng phơi phới một màu hạnh phúc… Cửa hàng áo cưới đắt khách, cô dâu chọn váy, chú rể đứng kề bên cạnh. “Cái này đẹp này, cái này hợp này… Cửa hàng chăn đệm rập rìu, những ánh mắt ngắm nhìn, những cái đầu nghiêng sang bên nọ lại nghiêng sang bên kia, những bàn tay lật qua lật lại, lựa cái này rồi lại chọn cái khác… “Mùa yêu”, có thể bắt gặp những cặp đôi sắp cưới ở bất kỳ chỗ nào cảnh đẹp hữu tình, để họ đánh dấu những kỷ niệm ngọt ngào nhất cho ngày chính thức thuộc về nhau. Bờ hồ, hồ Tây, công viên, bảo tàng, trường học, khuôn viên khách sạn, cả những ngọn đồi hoang dại đầy tình tứ, bờ đê ven sông với thảm cỏ xanh thơ mộng, cả với đường ray xe lửa trải dài bất tận về phía xa xăm… Tình yêu giữa 2 con người sắp được đánh dấu bằng một “dấu chấm”, dấu chấm của một quá trình tìm kiếm được nhau, để yêu thương và được yêu thương nhau; cũng là dấu chấm của một sự khởi đầu mới mẻ tiếp theo, để yêu thương và tiếp tục yêu thương nhau…
“Mùa yêu”, rõ ràng rồi vì ít nhất cũng có đến 2, 3 ngày lễ liền nhau để cho những người yêu nhau thêm gia vị mới cho tình cảm của nhau, cho nhật ký kỷ niệm được tô thêm màu mới, đặc biệt hơn những ngày thường. “Mùa yêu”, ngoài phố cũng được nhuốm thêm nhiều cảm xúc yêu đương hơn bình thường. Cửa hàng đồ lưu niệm đông đến tận lúc sắp hết giờ đóng cửa; băng-rôn, áp phích cũng thi nhau được trưng lên ở nhiều cửa hiệu dọc phố; hoa tươi rực rỡ đủ màu, được gói đủ kiểu thi nhau khoe hương sắc, cứ trải dài khắp phố… “Mùa yêu”, những người yêu nhau thường hay chuẩn bị những kế hoạch “đáng yêu”, để nêm vào tình cảm một loại vitamin đặc biệt mà có lẽ chỉ có riêng 2 người mới cảm nhận được…
“Mùa yêu”, những kẻ đang kiếm tìm nhau lướt cùng với phố, với ngọn đèn đường, và thường hay tự hỏi: “Ta đang đi tìm ai, ai đang đi tìm ta?” Và lại càng thêm háo hức, háo hức được gặp một người không hẹn trước, chưa tên tuổi, chỉ biết đến một ngày nào đó không xa, chắc chắn sẽ gặp nhau. Nên“mùa yêu”, những kẻ đang kiếm tìm nhau thường có một cách yêu rất đặc biệt, một thứ yêu đương được giữ làm “của để dành” cho một người tình xa…

(Viết ngày 12/03/2011)

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

HÃY NÓI LỜI NHỎ NHẸ

HÃY NÓI LỜI NHỎ NHẸ 
Khuyết danh - Thái Bá Tân dịch

Hãy nói lời nhỏ nhẹ.
Tình yêu hơn roi đòn.
Đừng để lời nói nặng
Làm hỏng việc dạy con.

Hãy nhẹ nhàng với trẻ.  
Trẻ sẽ yêu ta hơn.
Những lời nói âu yếm
Xóa hết nỗi giận hờn.

Với những người có tuổi,
Hãy nói lời nhẹ, êm.
Trái tim họ đã nặng,
Đừng làm nó nặng thêm.

Hãy nói lời nhỏ nhẹ
Với cả người lỗi lầm.
Bằng lòng tốt của bạn,
Hãy thu phục nhân tâm.  

Những lời nói nhỏ nhẹ,
Dịu dàng, đầy thương yêu.
Việc bé mà lợi lớn,
Lớn hơn ta tưởng nhiều.

SPEAK GENTLY
      Anonymous

SPEAK gently; it is better far
To rule by love than fear;
Speak gently; let no harsh word mar
The good that we do here.  
      
Speak gently to the little child;
Its love be sure to gain;
Teach it in accents soft and mild ;
It may not long remain.
  
Speak gently to the aged one,
Grieve not the care-worn heart,
Whose sands of life are nearly run ;
Let such in peace depart.

Speak gently to the erring; know
They must have toiled in vain ;
Perchance unkindness made them so ;
Oh, win them back again.  

Speak gently; 'tis a little thing
Dropped in the heart's deep well ;
The good, the joy, that it may bring,
Eternity shall tell.     

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

Sứ giả thiện chí

Tôi không có nụ cười đẹp, không có nụ cười duyên, cũng không chắc trông tôi sẽ xinh xắn hơn khi cười, nhưng tôi nhận ra rằng, khi tôi cười, bản thân tôi sẽ là người đầu tiên cảm thấy dễ chịu trước khi hy vọng rằng, một ai đó cũng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi tôi cười với họ. Bởi vì, tôi tin rằng nụ cười luôn là một “sứ giả thiện chí” của cuộc sống.
Có thể nụ cười chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc rất đỗi phù du thôi, nhưng ấn tượng và ký ức về nó đôi khi sẽ tồn tại dài thật lâu và đáng yêu trong cuộc sống của mỗi người. Ai đó đã nói rằng: “Nụ cười làm giàu có những ai đón nhận nó mà không làm nghèo đi người sinh ra nó”, nó khiến cho khoảng cách của con người dễ dàng xích lại gần nhau hơn. Đôi khi người ta chưa hề quen biết nhau, và chỉ vội vàng lướt qua nhau trong cuộc đời bằng một nụ cười chẳng bởi vì sao cả, nhưng ít nhất trong khoảnh khắc ấy họ đều cảm thấy một niềm vui lạ lùng, bất ngờ và thú vị. Cũng nhờ nụ cười mà người ta có thể bắt đầu một mối quan hệ nào đó một cách nhẹ nhàng, tự tin và thoải mái hơn bất kỳ thứ ngôn ngữ giao tiếp ban đầu nào. Bởi nó đã tỏa vào đó làn không khí của sự thân thiện và hòa đồng, đầy thiện chí.
Bạn có để ý rằng mỗi khi bạn hay một ai khác chụp ảnh, dễ thấy nhất là khi chụp ảnh cho các em bé, cho các cặp cô dâu chú rể, cho một tập thể gia đình, các phó nháy hay nói “cười tươi lên nào…!!!”, và những người cười thường có khuynh hướng vâng lời một cách vô thức. Mỗi khi xem lại những bức ảnh đó, thế nào từng tế bào cảm xúc trong tâm thức bạn cũng reo lên hạnh phúc một cách tự nhiên nhất. Như thế, nụ cười đã mang đến cảm giác vui sống cho mọi người. Điều này đặc biệt quan trọng khi mỗi chúng ta tồn tại trong các mối quan hệ khác nhau, mà quan trọng và gần gũi thân thương hơn nhất chính là trong mái ấm gia đình. Sẽ thật nhẹ nhàng, bình yên biết nhường nào khi mà những lo lắng mệt nhọc của công việc, những xô bồ trong những mối quan hệ xã hội được xua tan bằng những nụ cười hân hoan, thân thuộc, chân thành khi trở về mái ấm của riêng mình. Còn gì sung sướng và đầm ấm hơn khi trong mỗi bữa ăn quây quần, những câu chuyện vui vẻ mang theo những tiếng cười giòn giã để bữa ăn ấy càng thêm ngon miệng hơn... Người ta nói rằng, nụ cười là minh chứng của hạnh phúc gia đình, khi mà mỗi cá nhân đều có vai trò góp phần ảnh hưởng và quyết định đến sản phẩm “hạnh phúc” của tập thể.
Như vậy, nụ cười là một trong số những hạt giống của vườn ươm tâm hồn mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Ngay cả trong tiếng Anh thì từ “SMILE” có nghĩa là nụ cười cũng được cấu thành bởi những từ khác hàm chứa những cảm xúc và ý nghĩa để cho thấy vai trò của vị “sứ giả thiện chí” này trong cuộc sống. “SMILE” được tạo thành bởi các từSweet”: ngọt ngào; “Marvellous: tuyệt diệu”, “Immensely likeable”: khả ái; “Loving”: đáng yêu; “Extra special”: ngoại biệt (thành phần phụ quan trọng). Những “tác dụng” này chẳng phải là những điều mong muốn trong từng phút giây ta tồn tại trong cuộc đời này hay sao? Và việc gieo những hạt giống “nụ cười” để chúng nảy nở trong vườn ươm tâm hồn sẽ còn làm phát sinh, đánh thức và nuôi dưỡng các hạt giống khác cùng tồn tại trong khu vườn này.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Với liều thuốc bổ này, vị “sứ giả thiện chí” quả thực đã mang theo sứ mệnh là cống hiến cho đời niềm vui, niềm lạc quan tin tưởng, niềm hy vọng và khát khao sống của con người.