Các bạn
cùng phòng tôi ngày trước thỉnh thoảng hay gọi tôi là Rùa, đơn giản vì tôi thường
chậm chạp hơn các bạn ấy. Tôi làm mọi việc không nhanh nhẹn bằng các bạn, luôn
là người ăn xong cuối cùng trong mỗi bữa cơm. Thậm chí trong chuyện tình cảm,
tôi cũng là đứa còn sót lại trong số 9 bạn cùng phòng KTX, rằng là kẻ chưa có lấy
một “mảnh tình vắt vai” nào cho đến bây giờ. Và như một sự bất ngờ mà ông trời
đã “cố ý” sắp đặt, công việc hiện tại của tôi cũng được các bạn ấy cho rằng rất
phù hợp với “thuộc tính chậm chạp” của tôi…
Với nhịp
độ cuộc sống hiện đại và gánh nặng về nỗi lo cơm, áo gạo tiền ngày nay, việc
tăng tốc độ để có thể làm được nhanh hơn và nhiều hơn so với người khác thật sự
là một xu hướng phổ biến với mỗi người, và “vội vã” đương nhiên nảy sinh như một
sự tất yếu. Sự “chậm chạp” đôi khi trở nên có vẻ “không hợp thời” lắm. Nhưng
xét một cách tích cực hơn, điều đó cũng giúp tôi kịp nhận ra nhiều “giá trị”, đặc
biệt hơn cả là giá trị cho bài học về chữ “Nhẫn”…
Bạn có
từng để ý các ông bố, bà mẹ trẻ có lúc đã bỏ ra hàng giờ để dỗ dành các em bé
đang quấy khóc? Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác cầm cần câu cá, ngồi đợi liền
tù tì thậm chí mấy ngày để có thể câu được một con cá? Có lẽ cũng không ít lần
phải đứng xếp hàng rất lâu chờ đến lượt mình ở những nơi công cộng? Cũng đã từng
có hơn một lần phải đứng mấy tiếng đồng hồ vào giờ cao điểm để chờ một chiếc xe
bus dừng lại đón mình? Và đã từng trải qua những khoảng thời gian dài đến không
ngờ trước để tìm được một công việc sau khi tốt nghiệp? Sẽ đôi lần chứng kiến một
ai đó thật sự chân thành chinh phục trái tim của người mình yêu thương, không
ngại ngần trước thử thách của thời gian? Đi qua mỗi ngày sống, còn có nhiều hơn
nữa những sự việc tương tự như thế. Tất cả những điều đó chẳng phải là đều cần có
chữ “Nhẫn” hay sao?Bản thân mỗi người bình thường đều có tính kiên nhẫn vốn sẵn, bởi bắt đầu là được sinh ra, rồi học hành theo từng cấp độ từ phổ thông đến đại học, cho đến khi tìm cho mình được một công việc thật sự. Tất cả thường diễn ra theo tuần tự như thế. Khác nhau khi cho rằng người này có tính kiên nhẫn, hay kiên nhẫn hơn người kia thường được quyết định nhiều bởi quá trình rèn luyện.
Đi qua những ngày tháng trước đây, trải qua những điều không theo ý muốn khi còn đi học, và hơn cả là những thất bại đầu đời đã giúp tôi hình thành ý thức nghiêm túc hơn về bài học chữ “Nhẫn”. Cũng từ đây, tôi đã dễ dàng hơn khi biết chấp nhận những điều mà đôi khi vẫn không xảy ra theo quy luật vốn có của nó, bình tĩnh và vững vàng hơn trước nhiều, khi phải đối mặt những khó khăn và thử thách mà cuộc sống đem đến, cố gắng điều hòa tốt hơn trạng thái cảm xúc để khiến cho bản thân thấy dễ chịu ở mức độ tốt nhất có thể. Nhận ra ý nghĩa của bài học ấy, việc duy trì và rèn luyện thật sự không dễ dàng chút nào trước quá nhiều áp lực trong cuộc sống, điển hình là hiện tượng “ưa tốc độ” và “căn bệnh vội vã”. Nhưng tôi hy vọng sẽ cố gắng từng chút một để có thể “học” và “hành” tốt hơn bài học chữ “Nhẫn” này.
Như
trên đã nói, tôi đã từng trải qua một khoảng thời gian không ngắn, gần 8 tháng
để có được một công việc thật sự sau khi tốt nghiệp, gần bằng một năm học trên
ghế nhà trường. Đó thật sự là một điều tôi chưa bao giờ tưởng tượng được khi
còn đang đi học, khi cầm trên tay kết quả tốt nghiệp không đến nỗi nào, ít nhất
thì cũng đủ tự tin để nghĩ rằng không khó để tìm được một công việc sau những
gì mình đã cố gắng. Ấy vậy mà gần 8 tháng, tôi cứ lang thang hết phố này đến phố
khác, hết công ty này đến công ty kia, cùng với các bạn của tôi, tôi vẫn tự tin
lắm. Sau cùng thì, tôi luôn là người có tên trong danh sách những ứng viên không được tuyển chọn. Gần 8 tháng tìm
việc, với gần 20 công ty liên tục từ chối thật sự là một cú sốc hay một “sự khủng
hoảng” đối với một sinh viên mới ra trường như tôi. Có lúc tôi tuyệt vọng đến
phát điên lên được bởi thực tế đang phủ nhận và lấn át dần sự tự tin của tôi,
niềm hy vọng cứ vừa được nhen nhóm thì ngay lập tức bị dập tắt. Tôi liên tục phải
đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng trái ngược nhau. Một mặt tự “hành hạ” mình bởi
ý nghĩ “Mình giống như một thứ của nợ, một kẻ vô dụng”, mặt khác lại cố gắng tự
trấn an mình rằng “Không phải! Chỉ là chưa đến lúc mà thôi”. Hai tư tưởng ấy cứ
thường xuyên va chạm, xung đột lẫn nhau, thật đáng sợ. Là một người không thuộc
tuýp thích an phận, tôi đã phải cố gắng điều khiển để tư tưởng thiên về phía
tích cực nhiều hơn, nhưng thực tế là nhiều lúc thấy rất khó làm được như vậy. Tôi
tìm đến sách. Cũng là một người sống thiên về tình cảm nên những cuốn sách về
tâm lý xã hội và con người thường hay hấp dẫn tôi. Và may mắn là giữa lúc phải
đấu tranh như thế này, tôi đã bắt gặp 3 cuốn sách, như chiếc phao cứu sinh của
một kẻ sắp chết đuối, giúp tinh thần của tôi dần dần được hồi phục, và tiếp tục
được nuôi dưỡng. Ba cuốn sách đó là “Sức
mạnh của lòng kiên nhẫn” của M.J Ryan, “Hoa
hướng dương không cần mặt trời” của Triệu Tử Khâm, và “Đi ra từ bóng tối” của Dave Pelzer. Đọc một cuốn sách và đưa được
những ý tưởng và thông điệp của nó vào đời thực của mình thật sự rất khó, không
dễ như việc đọc đơn giản chỉ là để đọc, và để rồi lãng quên mà thôi. Nhưng khi
đọc ba cuốn sách đó, tôi thật sự đã khóc rất nhiều…
Tôi
không còn trách “ông trời”, không tự ti với mọi người và tiếp tục hành trình
tìm việc của mình, cũng như từ từ học cách “biết chờ đợi” và không ngừng hy vọng.
Bố mẹ tôi vì thương tôi, lo tôi chán nản sẽ sinh xì-trét quá mức nên tiếp tục đầu
tư cho tôi học khóa tiếng Anh mà tôi đã thích từ lâu. Bạn bè, đặc biệt là Lý
Toét và Thái Mèo cũng góp phần hỗ trợ cho tôi về mặt kinh tế và tinh thần trong
khoảng thời gian này. Tự đáy lòng mình, tôi biết ơn họ rất nhiều. Bạn bè vẫn
liên lạc để hỏi thăm và giới thiệu các chỗ làm cho tôi, các bạn ấy, đặc biệt là
“anh trai” Nguyễn Uy Vũ còn hào phóng nạp tiền điện thoại cho tôi nhân các dịp
nhận tiền lương để chúc tôi may mắn. Những tình cảm ấy, tôi sẽ luôn ghi nhớ…
Đến khi
tôi có chút kiến thức trong bài học chữ “Nhẫn” cũng là lúc tôi có được một công
việc thật sự. Khỏi phải nói, tôi đã phát điên lên như thế nào vì sung sướng.
Công việc của tôi và nơi tôi làm việc, dẫu “không được như mơ”, không “lý tưởng”
như nhiều bạn khác, nhưng nó thật sự có ý nghĩa rất lớn lao đối với riêng tôi.
Đương nhiên, nó là phương tiện để tôi có thể thật sự bắt đầu tự lập hơn trong
cuộc sống. Nhưng còn điều tôi thấm thía nữa là, như một sự sắp đặt cố ý của ông
trời, công việc này thật sự đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và kiên nhẫn. “Có việc
gì đó để làm” là không quá khó đối với hầu hết mỗi người, nhưng công việc ấy
khiến mình cảm thấy như thế nào, có thật sự thấy mình được “sống” với nó hay
không khác với “làm chỉ là để làm” mà thôi. Thực tế là, đa số người ta phải chấp
nhận “thích những gì mình làm” hơn là có cơ hội được “làm những gì mình thích”.
Công việc của tôi liên quan đến tư vấn Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó việc biên dịch
tốt các sáng chế thuộc chuyên ngành tôi theo học là một yêu cầu quan trọng
trong quy trình giúp khách hàng được cấp và bảo hộ quyền sáng chế của mình. Việc
chuyển ngôn ngữ của một tài liệu kỹ thuật vốn “cứng nhắc” và đôi khi phải theo
những thể thức nhất định yêu cầu phải đảm bảo tính “chân – thiện – mĩ”, tức là
cần chính xác, chân thực và càng làm nó mềm mại để “dễ đi vào lòng người” được bao
nhiêu thì càng tốt. Có những lúc, cả ngày không dịch được một đoạn vì chưa hiểu
nội dung và tìm được cách diễn đạt phù hợp. Nhưng sự kết hợp giữa tư duy kỹ thuật,
tính logic của thể thức luật cùng với việc chuyển thể ngôn ngữ khiến tôi rất
thích thú. Đó cũng là điều kiện đầu tiên cần có nếu muốn trở thành một chuyên
viên thực thụ sau này. Tôi nhận ra rằng, dẫu muộn màng nhưng tôi đã nhận được một
công việc tương đối phù hợp với tính cách, sở thích và sở trường của tôi, và đó
cũng là một sự may mắn. Ít nhất thì trong một tương lai gần nhất, tôi chưa có ý
định thay đổi và cũng có kế hoạch riêng của mình… Bài học về chữ “Nhẫn” cũng giúp tôi có niềm tin hơn trong việc nuôi dưỡng tình cảm và hy vọng về một tình yêu thật sự, đúng như ý nghĩa thiêng liêng của nó vậy. Có thể tôi sẽ gặp không ít những điều không suôn sẻ, nhưng bằng niềm tin và sự chân thành để hướng đến “cái đích thực” ấy, tôi vẫn tin rằng cuối cùng mình sẽ tìm được “một ai đó”, cũng sẽ chấp nhận tôi bằng niềm tin và sự chân thành như thế, theo “sự sắp đặt cố ý” nào đó của ông trời.
Suy cho
cùng, mục đích cuối cùng của mỗi con người là có được sự viên mãn, thảnh thơi
và bình an nơi tâm hồn. Điều đó thật sự không phải tự nhiên ai cũng có được. Đó
là cả một hành trình đấu tranh, nhận thức và điều biến, cố gắng và rèn luyện
không ngừng nghỉ để có thể cảm nhận được cảm giác “chiến thắng”, đặc biệt là
“chiến thắng chính mình”. Và trong hành trình ấy, chắc chắn không thể không kể
đến cần phải có chữ “Nhẫn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét