Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

"Bay trong miền nhớ"



Sáng nay đi qua 1 con đường quen thân, nơi có hai hàng cây xanh mướt trồng toàn xà cừ. Nhìn những vạt lá vàng khô kiệt dưới gốc cây dạt hết vào mép vỉa hè 2 bên đường do chưa kịp được quét dọn, tui mới giật mình: hóa ra đến mùa xà cừ đổ lá.

Mùa hè rõ quá rồi, đã nghe thấy tiếng ve sầu rả rích từ mấy chiều qua; đã thấy xà cừ thay lá; đã thấy cây bằng lăng trước cửa văn phòng mình xum xuê xanh mướt lá cành trở lại, chẳng mấy chốc nữa trông nó sẽ như cây nấm nhỏ tim tím xinh xinh trước mắt tui thôi.

Chuyện của mùa hè thì còn dài, còn tui đang muốn nói về cảnh xà cừ đổ lá cơ mà, vì nó làm tui nhớ hình ảnh của lũ học trò quê mùa bọn tui hồi nhỏ. Hồi đó, nhà ai cũng đun nấu bằng rơm rạ và lá khô chứ ko có bếp ga như bây giờ; than và củi cũng ít được sử dụng thường xuyên vì mục đích tiết kiệm. Thế là, bọn học sinh nhà quê tụi mình có thêm một công việc rất hay ho mỗi giờ ra chơi: đi nhặt những chiếc lá xà cừ rơi vãi trên sân trường, xâu vào những sợi dây thép mảnh dài thành một chuỗi thật dài, lủng lẳng xách về nhà, đổ vào góc sân phơi khô để mang vào bếp đun nấu. Hồi đó, trên đường đi học về mà thấy đứa nào mang được nhiều chuỗi lá về là thấy ngưỡng mộ lắm, hôm sau lại thi đua nhau lượm nhiều lá hơn nữa mang về. Ui, giờ mà các bé vẫn còn như tụi mình ngày xưa, hẳn các cô bác lao công chán vì ko được làm việc mất, hehe.

Những chiếc lá xà cừ vàng ươm mới rớt từ trên cây xuống còn được tụi mình hô biến trở thành những chú trâu trọi đùa nghịch nhau trên sân trường nữa. Chỉ cần chọn 1 chiếc lá vàng óng ả, lành lặn, có đủ cả phần cuống lá. Lấy trục chính của chiếc lá làm chuẩn và chọn 1 vị trí thích hợp đo từ phần cuống lá trở lên để từ vị trí này, xé 2 bên chiếc lá theo 2 đường gân đối xứng nhau, phần dưới này như vậy trở thành phần đầu và sừng trâu. Phần lá còn lại từ điểm bị tách đến đầu lá sẽ được cuộn tròn, buộc chắc lại tạo thành thân của con trâu. Dùng 1 sợi dây dài khác buộc cố định vào phần cuống lá rồi luồn sợi dây qua cái thân tròn trĩnh của con trâu, và kéo qua kéo lại sợi dây đó để thay đổi trạng thái chuyển động của con trâu. Như vậy là tụi mình có một món đồ chơi và 1 trò chơi dân giã của trẻ con nhà quê rồi đó, hehe.

Mùa hè đến rồi, “cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. “Tôi muốn lắm những điều như đơn giản/Trong dòng đời theo vất vả ngược xuôi/Nơi thị thành phồn hoa nhiều nắng bụi/Có một người dõi mắt chốn quê xưa.” (Bay trong miền nhớ - Nguyễn Thị Thanh Thủy)


Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Ghi chép lang thang - Bài học từ các em bé miền núi



Đôi lời: Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, mình có tham gia chuyến Du lịch thiện nguyện cùng các bạn trẻ trong Câu lạc bộ SDC tới Hoàng Su Phì, Hà Giang. Đây là chuyến Du lịch thiện nguyện thứ 3 mà mình đã tham gia trong năm ngoái. Mỗi chuyến đi đều mang đến nhiều trải nghiệm quý giá cho mình, đợi có thời gian rảnh sẽ lần lượt kể lại chi tiết hơn những bài học, những cảm nhận, những con người đáng yêu mà mình đã thấy, đã thu lượm được qua những chuyến đi này. Dưới đây chỉ là 1 chút suy nghĩ và ghi chép ngắn ngủi mình đã từng ghi lại sau chuyến Hà Giang năm ngoái khi xem lại seri ảnh chụp hồi đó. :)

Bao giờ mình cũng phục bọn trẻ con miền núi ghê lắm. Từ 3 tuổi trở đi là chúng đã tự 1 mình men theo những con đường mòn của núi rừng để đến trường học rồi, gần cũng phải 2km trở lên. Nhiều đứa học lớp 5-7 kể với mình là hàng ngày chúng thường đi học từ 5h sáng, quanh năm như thế dù mưa gió nóng lạnh, để kịp đến trường vào lúc 7h. Trông chúng thật nhanh nhẹn khỏe khoắn khi leo trèo, nhảy nhót trên
những ngọn đồi, băng qua những thửa ruộng bậc thang... Càng lên lớp cao thì lớp học càng vắng, vì bọn chúng phải bỏ học để ở nhà phụ bố mẹ làm nương rẫy, mặc dù chúng thèm khát được đến trường tiếp lắm.

Thật ra vì xuất thân từ một vùng quê gần đồi núi, nhà làm nông nghiệp, và cũng có người thân ở vùng đồi núi, cũng nghe đọc nhiều trên sách báo tivi, rồi cả ở những nơi mình đã từng qua khác nữa, nên những điều nói trên ko quá lạ lẫm với mình. Thế mà cứ mỗi lần bằng tai bằng mắt nghe và thấy những điều như thế, vẫn cứ thấy cùng 1 cảm giác ray rứt trước những con người xa lạ này. Đôi khi mình tự hổ thẹn với chính mình trước những con người ấy...

Thế nên là, cũng cảm thấy mình quá ư may mắn và đầy đủ với hoàn cảnh hiện tại. Thế nên là, những nhu cầu của mình trong đời sống lại được giảm hơn 1 chút để bớt căng thẳng lo âu. Thế nên là, mình biết sống đơn giản hơn 1 chút để khỏi tự chuốc lấy những muộn phiền ko đáng có, để dành thời gian vô bổ ấy cho những điều ngọt ngào khác hơn cơ.
:)
Hoàng Su Phì - Hà Giang 25/10/2013

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

"Nhìn là biết yêu đời"



Mỗi khi có chuyện "buồn vừa vừa" là mình lại thích lôi cuốn sách của mụ em gái mua tặng này ra đọc, hoặc đôi khi chỉ là liếc qua coi cái tựa sách có ghi: "NHÌN LÀ BIẾT YÊU ĐỜI". Cuốn này được giới thiệu là "4teen" (tức: dành cho lứa tuổi teen 14-18), nhưng với 1 kẻ "chậm dậy thì" như mình thì nó vẫn phát huy tác dụng rất hiệu quả :)

Nghe cái tựa đầy tò mò khiêu khích như vầy là mình đã muốn "giở trò" gì đó ra để "bớt yêu" nỗi buồn lúc này của mình rồi, thậm chí "chia tay" nó hẳn đi được thì càng tốt. Mỗi khi mà có thể "nháy mắt bai bai" với nỗi buồn lúc đó là mình thấy khoái trí vô cùng tận. Thật tình làm được như vầy vừa vui, lại vừa đỡ áy náy với sự quan tâm của mụ em gái với mình: hắn lại nhịn ăn dành xiền mua sách tặng mình ấy mà
:)

Xưa mình được học để vô phòng thí nghiệm, cho các chất tác dụng với nhau thực hiện phản ứng và coi kết quả ra sao để đánh giá, phân tích. Có phản ứng có công thức sẵn, có phản ứng thì ko, tự mình phải "thử" các kiểu cho tới khi đạt được mục đích mong muốn. Tất nhiên ko tránh khỏi có lúc méo mặt phát khóc đi được. Giờ bị "vô duyên" với các phản ứng hóa học, nhưng lúc nào cũng "dễ nhạy cảm" với các "phản ứng tinh thần" của mình, lúc thì như mong muốn, lúc thì ko. Tương tự, cũng phải "thử" các kiểu để cho ra kết quả mong muốn
:)

Tức là, mình cũng muốn làm sao mà có thể tạo ra được thiệt nhiều công thức để "tự tay pha chế niềm vui" cho mình. Muốn nữa là, mình phải học để đạt tới mức một ai đó mà mình rất-là-thương, khi nhớ tới mình thì sẽ ko phải là bởi mình giàu có, xinh đẹp, giỏi giang... gì hết (vì quả thực mình hông có mấy cái thứ này nha), mà là bởi "Nhìn là biết nó yêu đời". Cái này chẳng hề dễ dàng đâu nha, mình phải học và rèn luyện cả đời
:)

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Làm đẹp theo cách của riêng bạn :)



“Đàn bà, hễ mũi xấu thì mắt đẹp, mắt mũi xấu thì miệng đẹp, mặt xấu thì dáng đẹp, người xấu tâm hồn đẹp. Bằng cách này hay cách khác, họ cứ phải đẹp” (Nguyễn Ngọc Tư). Đã là phái nữ thì ai cũng mong rằng mình đẹp. :)

Cách đây rất lâu, 1 lần về nhà bán hàng cho mẹ, tui bắt gặp 1 khách hàng nữ nhỏ tuổi hơn tui, vừa lắp bắp nói thứ bạn ấy cần mua, vừa đưa tay bối rối che miệng khiến tui phải hỏi lại hơn 1 lần rằng em muốn mua gì. Khi tui vô tình trông thấy toàn thể khuôn mặt của bạn ấy, với khiếm khuyết nơi khóe môi, thì có vẻ như sự bối rối của bạn ấy càng lớn hơn nhiều, liền vội vàng lảng tránh ánh mắt của tui. Sự mặc cảm về điều đó với người lạ đã hiện lên qua ánh mắt và cử chỉ của bạn ấy khiến trong tui có gì đó trăn trở… Lại nhớ, cháu gái nhỏ của tui có lần tâm sự với tui hồn nhiên về cái sự buồn của nó, rằng: Ai cũng khen em gái nó thông minh, xinh xắn, đáng yêu, trắng trẻo…, còn ít khi để ý để khen nó điều gì, vì những đặc điểm dễ gây chú ý với người khác như vậy thì nó không được bằng em nó. Thế là, trái tim non nớt của 1 đứa trẻ đôi khi bị tổn thương thật dễ dàng bởi sự vô ý của người lớn, khi mà người ta quá tập trung vào một cái “chuẩn kỳ vọng” nào đó để mà so sánh lẫn nhau, trong khi mỗi người là một cá thể riêng biệt, với những đặc điểm tốt xấu và hoàn cảnh riêng của họ.

Lại có nhiều lần, tui bắt gặp những bạn gái, những người phụ nữ có hình thức bề ngoài không mấy ưa nhìn, không đạt theo cái chuẩn thông thường nào đó mà người ta luôn áp đặt vào để đánh giá, khen chê. Nhưng cũng từ trong những câu nói, phong thái, ánh mắt, cử chỉ… của những con người đặc biệt này, tui cảm thấy ở họ có sự mạnh mẽ tiềm tàng, có phong thái tự tin từ bên trong toát ra bên ngoài mang đến sự thu hút và tình cảm yêu mến tự nhiên cho người tiếp xúc. Tui thấy khâm phục bởi họ đã biết làm đẹp theo cách riêng của mình, để ko bị lẫn vào ai, để và còn để truyền cảm hứng cho người khác về sự tự tin, tinh thần quả cảm, biết trân trọng những thế mạnh của mình để vươn lên khắc phục những khiếm khuyết… Tui nghĩ rằng chỉ có lòng tự tin vào bản thân, biết chấp nhận bản thân và ko ngừng xây đắp những thế mạnh của mình mới là những thứ trang sức cuốn hút độc đáo nhất đối với một người phụ nữ, giúp họ luôn có được vẻ đẹp bền vững với thời gian… :)

Vì thế lâu nay tui hay tự hỏi và tìm cách trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để một bạn gái, một người phụ nữ (trong đó có tui) dù không được ưu ái 1 hình thức bên ngoài bắt mắt mà vẫn tự tin rằng mình có thể đẹp theo cách riêng của mình?”, thay vì tủi thân hay than trách số phận. Nghĩ như vậy khiến tui thấy nhẹ lòng và vững vàng hơn biết bao nhiêu :)

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Hai lá thư dạy con cháu của Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh (181–234), đạo hiệu là Ngọa Long tiên sinh, là vị quân sư và đại thần của nước Thục thời hậu Hán của Trung Quốc. Ông là một chính trị gia, nhà quân sự, học giả. Trong quân sự, ông đã sáng tạo ra các chiến thuật như: Bát trận đồ (Hình vẽ tám trận), Liên nỏ (Nỏ Liên Châu, tên bắn ra liên tục), Mộc ngưu lưu mã (trâu gỗ ngựa máy ). Tương truyền ông còn là người chế ra đèn trời (Khổng Minh đăng) và món màn thầu. Thân thế Gia Cát Lượng được biết tới nhiều qua tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Thư nhắc nhở con của Gia Cát Lượng
Phẩm hạnh của người Đức tài toàn vẹn, là dựa vào nội tâm an tĩnh, tinh lực tập trung để tu dưỡng thân và tâm; là dựa vào tác phong giản dị để bồi dưỡng phẩm đức. Không xem nhẹ danh lợi thế tục thì không thể xác định được chí hướng của bản thân; thân tâm không tĩnh lặng thì không thể có lý tưởng cao xa. Học tập cần phải chuyên tâm ý chí, để phát triển tài năng thì cần phải học tập khắc khổ. Không nỗ lực học tập, thì không thể phát triển tài trí; không xác định rõ chí hướng thì không thể thành công trong học tập. Truy cầu hưởng lạc và biếng nhác, không tập trung, thì không thể phấn khởi tinh thần; nói năng tùy tiện và nóng nảy cáu gắt thì không thể bồi dưỡng tính tình. Tuổi tác trôi qua, ý chí tiêu mòn theo năm tháng, thì cuối cùng sẽ như cây khô lá úa mà thôi, không có ích gì cho xã hội. Đến lúc đó ngồi trong góc nhà đau buồn than thở thì có ích gì đâu?
“Thư dạy con” (Giới tử thư) này là của Gia Cát Lượng gửi cho con trai Gia Cát Kiều.

Thư nhắc nhở cháu trai của Gia Cát Lượng
Một người cần phải có chí hướng cao thượng lớn lao, ngưỡng mộ những bậc thánh hiền, từ bỏ ham muốn và tất cả những gì cản trở sự tiến bộ của một người. Chỉ có theo con đường đó, anh ta mới có thể đạt được hoài bão và chân chính thay đổi từ bên trong. Một người phải có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh, không để tâm đến bề ngoài, lắng nghe người khác, từ bỏ ngờ vực và tính hẹp hòi. Khi ấy, người đó chẳng phải lo rằng mục đích không đạt được. Nếu một người không mạnh mẽ và kiên định, tâm hồn không thành thật khảng khái, thì anh ta sẽ không thành công, bị cuốn theo thói tục, trở nên tầm thường và bị ràng buộc bởi dục vọng. Người như thế sẽ vĩnh viễn là hạng phàm phu tục tử, hay thậm chí trở thành người dung tục.

Nguồn: http://vn.minghui.org/news/26248-van-su-man-dam-2-la-thu-day-con-chau-cua-gia-cat-luong.html 


"Đừng lay tôi nhé cuộc đời" :)



“Tôi đang mơ giấc mộng dài, Đừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh. Tôi đang nhìn thấy màu xanh ở trên cây cành trôi xuống thân mình, Tôi đang nhìn thấy màu hồng ở khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồn.” Mãi tới hôm nay tui mới tìm được bài hát ưng ý này để lồng ghép vào một thoáng mộng mơ nho nhỏ của tui tuần trước.

Chuyện là buổi tối nọ trời lạnh, tui và nàng bạn rủ nhau đi ăn ngô nướng tại 1 góc vỉa hè gần nơi tui ở. Bán ngô nướng cho bọn tui là đôi vợ chồng già, chừng tuổi lục tuần chi đó. Đôi khi tui có cảm giác mình khá có duyên nói chuyện với 1 số người già thì phải. Chỉ 1 câu hỏi ban đầu của bác gái là “Các cháu đi học hay đi làm rồi”, thế mà ăn xong cái ngô nướng, tui gom lại ko biết bao nhiêu là chuyện từ đôi vợ chồng già này. Chuyện công việc, chuyện con trai - con gái - con dâu - con rể, rồi thì đến chuyện ông, chuyện bà nữa chứ…:)

Sau một hồi líu lo kể chuyện với tụi tui thì bác gái có nói câu đại ý là: “Giàu nghèo cũng ko quan trọng bằng việc giờ đây, con cái ko có làm điều gì khiến họ phải phiền muộn nữa. Giờ 2 bác cứ an nhàn như vậy thôi. Chiều chiều hôm nào cũng thế, cứ từ 1h là có mặt ở vỉa hè này bán ngô tới khuya rồi”; còn thì bác trai chỉ im lặng tủm tỉm cười theo thôi. Tui mới bảo: “Vậy là ngày nào 2 bác cũng ríu rít bên nhau thế này sao, thích thế ạ”, mà họ nhìn nhau tủm tỉm cười trông mãn nguyện về nhau quá chừng. Trời ơi, cái cách những người già thương nhau họ nhìn nhau trìu mến mới đẹp làm sao, đáng mơ ước làm sao chứ.

Thế là tui cứ nghĩ, nếu mai sau tui già mà có đi bán nước trà đá - nhân trần ở vỉa hè thật, phải chi tui cũng có 1 ông lão lặng lẽ đi theo giúp tui nhóm bếp, bày sẵn nước vô phích cho tui sẵn bán nước, thì chắc tui cũng mãn nguyện như bác gái kia mất thôi. Y chà, đơn giản chỉ là một thoáng mộng mơ chút xíu thôi, nhưng xin “Đừng lay tôi nhé cuộc đời, Tôi còn trẻ dại, cho tôi mơ mộng.” :)
Link bài hát trên: