Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

LẦN ĐẦU TỚI SIÊM RIỆP: PHẦN III - NHẬT KÝ DU NGOẠN BIỂN HỒ TONLE SAP

(Đăng trên Facebook từ hồi tháng 07 mà lười copy lại vô đây quá. Hôm nay mới giở ra lưu lại vào đây)

Nằm trong kế hoạch tham quan của bọn mình khi đến Siêm Riệp, Biển hồ Tonle Sap là điểm đến đầu tiên khi bước đến đây và ổn định chỗ ở từ chiều tối hôm trước. Phải nói thật một điều rằng, trước khi tới đây, bọn mình chưa đọc nhiều về vùng biển hồ này lắm, chỉ biết 2 thông tin cơ bản nhất: thứ nhất, đây là biển hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, một thành phần của sông Mê-kông và đóng vai trò quan trọng với cuộc sống người dân Campuchia; thứ hai, tại đây có rất nhiều người Việt Nam sinh sống trong cụm ngôi làng được gọi là làng Nổi. Vé tham quan biển hồ khá đắt đối với “dân đen” như bọn mình (20USD/người), nhưng mình nghĩ với những gì đã trải nghiệm tại đây thì cũng đáng bỏ đồng tiền bát gạo ra để tới lắm. :)


Theo lịch trình, Dollar đến khách sạn đón bọn mình vào lúc 8h sáng để ra biển hồ. Càng đi về phía biển hồ và xa dần khu phố tập trung khách du lịch ở, cảnh đói nghèo thiếu thốn của người dân nơi đây càng hiện ra rõ rệt. Số lượng những căn nhà lụp xụp che chắn xung quanh bằng lá (dừa) tăng dần, chỗ nào đất cao thì nền nhà đặt trực tiếp ngay trên đó, chỗ nào đất thấp và nằm trên những mạch sông nhỏ thì là những ngôi nhà kiểu chòi. Đường đi ngày càng xấu hơn vì nhiều khúc cua và ổ gà, có chỗ xe đi qua mà bọn mình ngồi trên xe nhảy tưng tưng như đánh nhạc; bụi mù mịt nên rất cần mang theo khăn và khẩu trang. Những cánh đồng lúa nước quanh đây đang thì con gái xanh mơn mởn, nhưng so với đồng lúa nước ở quê mình thì có phần cằn cỗi hơn. Đôi khi, mình cũng bắt gặp những bao phân hóa học từ Việt Nam xuất khẩu sang được xếp ngay trước cổng nhà người dân. Với đôi nét trông thấy khi ngồi trên xe tuk tuk ra biển hồ, bọn mình có chung cảm giác nao nao quen thuộc, bởi ko khí yên ắng thanh bình trong nghèo túng nơi đây có gì đó giống với những làng quê nghèo Việt Nam mình quá, thậm chí ở đây họ còn có phần nghèo túng hơn. Mất chừng 30 phút ngồi trên xe thì bọn mình ra đến nơi tham quan biển hồ.

Con bò gặm cỏ ven đường - cảnh gần gũi ở làng quê VN
Sau khi mua vé xong, bọn mình được dẫn ra một chiếc thuyền máy nhỏ để bắt đầu cuộc du ngoạn biển hồ. Theo mình được biết, đây là loại thuyền cá nhân, có đặc điểm là bạn có thể đi cùng bao nhiêu người tùy thích. Tức là, kể cả bạn chỉ có 2-3 người và muốn đi riêng với nhau thì cũng ok. Các thuyền không cần đợi đủ khách mới đi. Ưu điểm của loại thuyền này là bạn có thể đi theo nhóm của mình mà không có sự xuất hiện của người lạ, cảm giác cũng khá thoải mái. Trong những phút đầu du ngoạn, bọn mình tranh thủ làm quen và trò chuyện với cậu thuyền phu người Campuchia có làn da đen bóng, tính tình dễ chịu và nhiệt tình. Cậu ta 24 tuổi mà trông còn già dặn hơn cả lũ bọn mình nhiều, và hầu hết người Campuchia khác đều vậy do gánh nặng mưu sinh. Sau hồi làm quen tên tuổi, quốc tịch, bọn mình và cậu thuyền phu này cùng phá lên cười với những đặc điểm giống nhau như: chúng ta đều nghèo nhưng dễ mến và thân thiện (we are all poor but nice and friendly). Cậu ta cho biết sẽ dẫn bọn mình qua làng Nổi - nơi có rất nhiều người Việt Nam sinh sống; dừng lại ở một vài cái chợ ở khu làng này; và vào thăm ngôi trường tình thương dành cho trẻ em người Việt Nam ở đây nữa.
Chụp kỷ niệm với cậu thuyền phu - 24 tuổi
Trong những phút đầu tiên, bọn mình vui vẻ tận hưởng cảm giác phóng khoáng, thoát bay trước mênh mông sóng nước; gió lộng thênh thang mát rượi như thể muốn cuốn trôi mọi thứ “bụi bặm” đeo bám tâm hồn; chẳng có việc gì khác ngoài tha hồ hít hà mùi sông nước, ngắm nghía mây trời tại đây và ngay lúc này; thi thoảng cả bọn lại được dịp rú lên đầy thích thú khi những chiếc du thuyền khác lớn hơn đi qua, cuốn theo những tia nước bắn tung tóe vào thuyền bọn mình, mát lịm, nhiều du khách khác cũng cười khoái trí khi thấy vậy và còn vẫy tay chào bọn mình. Như thế này thì chẳng còn muốn nghĩ gì đến những điều đang toan tính muộn phiền nữa nhỉ. Rồi sau đó mình cứ nghĩ, phải làm sao để đời mình càng lúc càng nhiều hơn những khoảnh khắc dễ chịu như thế này đây, vì tuyệt vời quá mà.

Ngồi trong thuyền
 Khi những trải nghiệm cảm xúc đầu tiên mới vừa kịp tận hưởng, khi trước mắt bọn mình ko chỉ là sông nước mây trời nữa, mà thay vào đó là những “ngôi nhà” dập dềnh trôi nổi trên mặt nước, thì luồng cảm xúc theo đó cũng khác dần đi. Nghèo đói có thể có mặt ở khắp nơi chúng ta đi qua và ở đây cũng thế. Mình đã từng đọc báo, xem ti-vi về cảnh nghèo của những người chài lưới sống lênh đênh vùng ven sông Hồng, và ở đây cũng thế, rất nhiều đồng hương Việt Nam mình đang sống như vậy. Những dòng chữ Việt Nam hiện ra nhiều hơn tại ngôi làng này, kèm theo hình ảnh đói nghèo thiếu thốn khiến cả bọn đều khựng lại vì xúc động. Mình nghèo mà họ còn nghèo đến mức này. Họ sống trôi nổi quanh năm trên những chiếc ghe và thuyền bè rách nát tuềnh toàng. Theo bọn mình được biết, làng chài (làng nổi – Floating Village) này có nhiều cái không: không trạm y tế, không trường học, không giấy tờ tùy thân, không quốc tịch, không biết đi giầy, dép... Họ di cư đến đây từ rất lâu rồi, do chiến tranh hoặc do nguồn lợi khai thác thủy sản ở đây dồi dào, và cứ thế họ sinh con đẻ cái tại đây, rất ít người có khả năng trở về quê hương. Họ ở trên biển nước ngọt nhưng không có nước sạch, màu nước đục ngầu lợn cợn bùn với rác. Họ múc nước dưới hồ lên, bỏ mấy viên phèn vào để làm lắng bùn và làm trong nước để dùng cho việc ăn uống, còn tắm giặt thì dùng trực tiếp nước hồ luôn. Nghe nói mới đầu năm 2014 này, họ được tài trợ máy lọc nước từ lòng hảo tâm của một hòa thượng người Việt Nam khi qua đây.

Thuyền bọn mình dừng lại ở một chợ lớn của làng Nổi, nơi tập trung khách du lịch nghỉ giữa chặng để xem đồ lưu niệm và ngắm cảnh xung quanh. Chỗ này người ta còn khoanh vùng nhỏ dưới hồ để nuôi cá sấu thương mại. Mặt hồ xung quanh điểm chợ lớn này ko hiểu sao dịp đó bèo lục bình trôi dạt về nhiều thế, xanh dày cả vùng khiến cho việc di chuyển của tàu bè qua đó để đi tới mặt biển hồ thênh thang phía trước trở nên khó khăn. Bọn mình dạo chơi ở đó một lúc thì lên thuyền. Cậu thuyền phu nói rằng sẽ đưa bọn mình trở lại thăm làng Nổi và trường học Việt Nam thôi, thay vì ra mặt hồ ngay lúc này vì lượng bèo quá dầy, sợ thuyền nhỏ sẽ vướng tắc chân vịt và ko đi qua nổi. 
Bèo lục bình dạt về dày đặc
 Theo đó, cậu ta dẫn bọn mình vào một cửa hàng của người Campuchia, nơi bán thực phẩm chủ yếu là gạo, mì tôm và vài thứ lặt vặt khác. Họ thuyết phục bọn mình mua gạo và mì nếu đến thăm trường học của trẻ em nghèo Việt Nam. Bởi những đứa trẻ này hàng ngày sẽ được đi học và ăn 2 bữa tại đó, thực phẩm hoàn toàn dựa vào du khách đi cho tài trợ mà thôi. Bọn mình chưa chuẩn bị cho tình huống này nên lúc đầu cũng hơi lúng túng. Chủ cửa hàng còn nhờ 1 cô gốc Việt Nam sang phiên dịch cho bọn mình trong việc giải thích hoàn cảnh khó khăn của trẻ con nơi đây, hình thức mà du khách qua đây lựa chọn để giúp đỡ chúng, cũng như thuyết phục bọn mình hãy mua một ít gạo. Bọn mình ko mang theo nhiều tiền, nhưng cả bọn cũng quyết định sẽ mua một ít gạo để gửi tặng các em nơi đây. Khi xem xét mua gạo, nhờ kinh nghiệm bán gạo từ bé mà Thảo, bạn mình đã phát hiện ra gạo ở cửa hàng này kém chất lượng quá nên bọn mình từ chối ko mua nữa, dù chủ cửa hàng ra sức hạ giá chào mời. Nhờ sự sáng suốt đó của Thảo mà bọn mình được cậu thuyền phu dẫn sang một cửa hàng khác lớn hơn. Cậu ta cam đoan rằng ở đây sẽ có loại gạo tốt hơn cho bọn mình. Qua một chút rào cản ngôn ngữ ban đầu, bọn mình phát hiện ra cả nhà gia đình của cửa hàng này đều là người Việt Nam, cả bọn mừng rỡ quá trời luôn khi gặp gỡ đồng hương. Tại đây, bọn mình đã mua một ít gạo để biếu các em học sinh nghèo và mua thêm cả một ít tôm khô biển hồ mang về nhà nữa.

Mua gạo xong, cậu thuyền phu quyết định sẽ dẫn bọn mình trở lại phía trên, vượt qua đống bèo tắc trên kia để ra biển hồ ngắm sự mênh mang sóng nước nơi đây. Khỏi phải nói bọn mình đã mừng rỡ ra sao khi ra đến mặt hồ bát ngát đó. Thuyền dừng ít phút để bọn mình thỏa thích ngắm sự mênh mông bất tận khi thấy nước có thể chạm mây trời. Sao thấy mình bé nhỏ quá trời trong vũ trụ bao la ko có điểm dừng thế này. Bọn mình ra hẳn mui thuyền, ngồi đón gió và đón nắng, và đương nhiên ko quên chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc tuyệt diệu này.

Ngồi ra mui thuyền, buông thõng chân xuống là 1 cảm giác phóng khoáng tuyệt vời
Tiếp đó, thuyền đưa bọn mình trở lại để vào thăm trường học của trẻ em Việt Nam. Đi qua chỗ bèo lục bình dạt từ lúc trước, lần này thì thuyền ko đi qua ngay được mà bị tắc ở đó khá lâu. Nhờ đó mà bọn mình có cơ duyên nói chuyện nhiều hơn với những người đồng hương tại đây, biết thêm về hoàn cảnh khó khăn của họ. Thấy bọn mình là người Việt Nam, họ mừng khôn xiết. Dường như ai cũng đau đáu nỗi nhớ quê hương mà ko đủ khả năng để trở về, mà có khi trở về rồi cũng có người thất lạc xóm giềng. Được biết, ở đây trẻ con 4 tuổi đều biết bơi thành thạo rồi, 5 tuổi trở đi là có thể chèo thuyền ngon ơ. Đúng là sống trong môi trường nào thì sẽ sớm phát triển cơ chế thích nghi để tồn tại phù hợp đến vậy. Có một ít bánh kẹo được chuẩn bị sẵn từ nhà, bọn mình đem chia hết cho lũ trẻ con quanh đó. Nghe nói, có nhiều trẻ con sẽ chèo thuyền đến bám khách du lịch để xin tiền, nhưng hôm đó bọn mình ko gặp trường hợp nào như thế. Nghĩ lại, cuộc sống của những người dân nơi đây cũng trôi nổi y như những cánh lục bình kia nhỉ: “Biển Hồ mùa nước nổi, Lục bình vẫn lênh đênh, Số phận người trôi rỗi, Mekong chảy bập bềnh.”
Đưa quà cho cháu nhỏ
Những người dân làng Nổi đi qua vẫy chào chúng mình
Bọn mình đến trường học của trẻ em nghèo Việt Nam đúng vào giờ đang ăn trưa của các em. Một cảnh tượng khốn khó, đáng thương tại đây làm cả bọn thấy ngỡ ngàng day dứt lắm. Trường học được làm bằng ba cái bè kết lại, do một người ở Tây Ninh (tên ông Tư) sang đây lập ra để dạy chữ cho con em làng chài người Việt. Năm 2010, một số cán bộ của Quân khu 7 Việt Nam trở lại thăm chiến trường xưa và tặng trường cái bè lớn làm nơi ăn nghỉ và học hành cho các em. Trường có hơn 300 em học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5, do 5 giáo viên đứng lớp, tất cả đều là tình nguyện viên từ Việt Nam sang đây ko chút lương bổng chế độ gì. Phải nói thật, có một thầy giáo mình cứ ngỡ phải gần 40 tuổi mà hỏi ra mới biết có 29 tuổi thôi. Thầy nói, hồi sang định chỉ ở chừng 4 tháng nhưng thấy các em tội quá nên ở tới bây giờ, được 4 năm rồi đó. Nguồn sống của thầy trò quanh năm nhờ lòng hảo tâm của khách du lịch khắp thế giới qua đây hỗ trợ. Phải có khách tới tham quan biển hồ thì mới cải thiện và duy trì lớp học được. Vì thế, khuôn mặt các em học sinh ở đây, nhiều em dường như luôn trong tư thế đón khách hơn là học tập. Ra khỏi trường học và bước lên thuyền về bờ mà cả bọn ko khỏi xót xa bùi ngùi trước những gì vừa chứng kiến. Cả lũ trầm ngâm: tính ra bọn mình còn may mắn và no đủ chán, từ giờ bớt than vãn và cố gắng sống tốt hơn nhé.

Bữa ăn trưa của các em học sinh nghèo
"Bây giờ cha tin tiền đó chính tay con làm ra. Có làm lụng vất vả, người ta mới biết quý đồng tiền" - Trích dòng chữ trong bài học ghi trên bảng
Chẳng mấy chốc chiếc thuyền đã đưa bọn mình về gần tới bờ. Cậu thuyền phu mỉm cười hỏi bọn mình có enjoy về chuyến đi vừa trải qua ko (Do you enjoy your trip?), và tất cả đều nói có. Điều đó khiến có vẻ khiến cậu ta hài lòng hơn. Có thể nói điều may mắn khi trải nghiệm du thuyền biển hồ hôm đó của bọn mình là đã gặp một người thuyền phu nhiệt tình, biết chiều lòng khách, và cung cách phục vụ rất lịch sự cho đến phút cuối. Vì thế, bọn mình được hiểu thêm về văn hóa ứng xử của người Campuchia. Đó là, phần lớn họ thích giải quyết vấn đề nào đó theo cách ôn hòa bình tĩnh, hết sức tránh sự nóng giận gây gổ lẫn nhau.

Cuộc du ngoạn biển hồ Tonle Sap của bọn mình là đôi điều sơ sơ được kể lại như vậy đó. Cũng như bất kỳ một chuyến đi khác, nó cũng lại mang đến cho tất cả những trải nghiệm mới, những xúc cảm mới, những hiểu biết mới, những bài học mới…, khó có thể nào quên. :)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét