Hồi tôi đang học năm thứ 4, tức là cách đây đã hơn 4
năm rồi, tôi đã từng có một ước mơ nhỏ. Tôi đã mơ rằng một ngày nào đó, khi tôi
trở thành một bà lão đến tuổi về hưu, ơn trời nếu tôi vẫn còn tồn tại khỏe mạnh
trên cõi đời này, thì tôi muốn mở một quán nước nho nhỏ ven đường hay 1 góc nào
đó thân thuộc, để mỗi ngày trôi qua, tôi vẫn có thể gặp gỡ những người thân
quen và xa lạ, thấy sự sống quanh tôi vẫn có ý nghĩa, và thấy giá trị của tôi với
một ai đó. Nguồn cơn của ước mơ ấy thật ra là xuất phát từ một người bạn vong
niên đặc biệt của tôi. :)
Người bạn vong niên đó của tôi là bác Phúc – một cán bộ hưu trí khoa Điện hóa, ĐH Bách Khoa. Tôi biết bác Phúc và cái quán trà đá nhỏ yên tĩnh của bác tại một góc đằng sau khu nhà C7 – C8 trường tôi) là qua mấy anh bạn khóa trên tôi, học khoa Nhiệt Lạnh (C7 là khu văn phòng khoa Nhiệt Lạnh). Kể từ đó, mỗi khi chỉ có một mình như khi phải chờ đợi bạn, chờ đến giờ học, hay thậm chí rảnh và buồn quá chẳng biết đi đâu làm gì, tôi thường đến quán trà đá nhỏ của bác Phúc. Tôi thích đến chỗ bác Phúc không chỉ vì quán của bác có nước ngon – rẻ hơn; vệ sinh hơn; góc ngồi yên tĩnh, mà còn vì tôi rất thích nói chuyện với bác nữa. Giờ tôi ghé vào quán thường lệch so với giờ của những cán bộ và sinh viên của khu nhà này, nên thường chỉ có 2 bác cháu trò chuyện với nhau thôi, và nhờ thế mà chúng tôi nói được nhiều chuyện trên đời này lắm.
Tôi thấy rằng nếu có một người bạn vong niên tốt thì
đó thật sự là niềm may mắn lớn, bởi họ sẽ chỉ cho tôi rất nhiều bài học quý
giá. Có thể lúc đó tôi chưa hiểu được hết mọi chuyện, nhưng một lúc nào đó
chúng sẽ là vốn liếng để tôi đi qua những ngày bộn bề của mình nhẹ nhàng hơn. Tôi
được bác Phúc kể cho nghe nhiều về cuộc đời gian truân của bác – cuộc đời của một
người góa phụ trẻ với bốn cô con gái nhỏ. Những lúc chỉ có 2 chúng tôi, bác đã
kể cho tôi những khó khăn tưởng chừng như ko thể vượt qua nổi của bác, về cách
bác đối mặt - giải quyết ra sao, và kết quả bác nhận được là những gì. Bác kể
cho tôi chi tiết những ngọt ngào và cay đắng trên mỗi đoạn đường đời, sự khắc
nghiệt của số phận, sự bạc bẽo của người đời... Nhưng bác bảo, biết làm sao được,
chỉ còn cách cắn răng vượt qua thôi, vịn vào nụ cười và hy vọng về tương lai của
4 cô con gái để mà gượng dậy sống, mà phải sống tốt để con cái noi gương sống tốt
nữa chứ. Tôi cũng chẳng bao giờ quên được nét mặt của người phụ nữ này, luôn rạng
ngời niềm tự hào mãn nguyện khi kể về những cô con gái của mình. Tôi bị cuốn
hút bởi cách kể và những câu chuyện có thật về cuộc đời bác, như đang đọc 1 cuốn
hồi ký vậy, có đoạn xúc động rơi nước mắt làm bác tưởng tôi bị làm sao. Tôi biết
có quá nhiều số phận nghiệt ngã trên đời, và lần nào nghe kể chuyện về họ, tôi
lại thấy những vấn đề của mình thật ra ko kinh khủng như mình tưởng, và mình sẽ
vượt qua được thôi.
Tôi cũng rất cảm phục trước tinh thần lao động và tấm
lòng nhân hậu của bác Phúc. Các con của bác giờ đây đã thành đạt hết và hoàn
toàn có thể phụng dưỡng bác đầy đủ. Thế mà bác vẫn ngày ngày ra quán nước này,
lấy lao động làm nguồn vui của mình, để vẫn thấy mình sống có ích và độc lập.
Tôi biết bác thường cho các sinh viên nghèo vay tiền nếu có, thậm chí ko ít lần
chỉ có cho đi ko nhận lại được chút gì. Tôi thường thấy bác hay nấu nhiều cơm
và thức ăn mang theo để cho một vài anh sinh viên nghèo nào đó, khi họ ngồi
quán nước của bác ăn trưa với suất ăn của mình là những chiếc bánh mì tạm bợ…
Tôi cũng may mắn có lần được bác đãi hẳn bát phở bò to tướng nhân dịp bác nhận
lương hưu, và thường được bác cho cả hoa quả nữa… Tôi rất thích mỗi lần lấp ló
ra quán của bác, bác thường giơ tay, cười rất tươi và gọi tôi: “Ah, C ah, vào đây…”. Quán bác ít sinh
viên nữ lắm, nên lần nào tôi đến bác cũng hay giới thiệu tôi với các anh chàng
C7-C8 rằng: “Con gái khoa TP đấy, bên C4
kia kìa. Chúng mày tranh thủ làm quen nhau đi”, vì thế tại nơi này tôi cũng
có cơ hội trò chuyện với nhiều anh chàng dễ thương khác. Ngày tôi nhận Bằng tốt
nghiệp, tôi đến chào tạm biệt bác và chụp ảnh kỷ niệm, bác dặn tôi phải luôn cố
gắng trong cuộc sống, là con gái càng phải nỗ lực nhiều hơn cho dù có thể sẽ rất
cực khổ. Giờ thì tôi nghe nói bác không còn bán nước tại góc xưa nữa, nhưng
hình ảnh về vẻ đẹp của bác, tôi sẽ nhớ thật dài lâu… Như thế đó, trên đời vẫn
luôn có những người đẹp lạ, ko ngại ngần trao đi niềm tin ko lý do, hay một sự
kỳ vọng nào nên chúng ta mới có cơ hội cảm nhận thêm những ngọt ngào của đời sống
này.
Chuyện là thế đó. Vì mê vẻ đẹp và phong cách của bác
Phúc như vậy mà tôi bảo, sau này tôi cũng muốn có 1 góc nhỏ bán trà đá - nhân
trần ở 1 chốn thanh bình nào đó, để hàng ngày tôi vẫn có thể được gặp gỡ người
trẻ người già, được chuyện trò trên trời dưới biển huyên náo cùng họ, để sự sống
trong tôi vẫn có thể chảy như 1 dòng sông. Đôi khi tôi tưởng tượng giọng nói và
khuôn mặt của tôi lúc đó, và tủm tỉm tự AQ rằng “biết đâu một cô bé nào đó cũng
sẽ mê vẻ đẹp của tôi thì sao, như tôi đã “phải lòng” vẻ đẹp của bác Phúc vậy”.
Và tôi biết, để mà làm được như vậy, tức là tôi phải học hỏi và nỗ lực rất rất
nhiều. :)
Ảnh chụp hôm nhận Bằng TN Đại học - 12/08/2010 |