Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Ươm những mầm xanh

Sáng nay ra ngó mấy chậu rau thơm tí hon trồng ở góc sân, thấy là sau đúng 1 tuần thì các em ý nay đang thi nhau nảy mầm vươn dậy mà trong lòng mình cứ thấy vui vui.
Mang tiếng là xuất thân từ con nhà nông chính hiệu, nên là việc trông thấy cây lúa, cây ngô, cây đậu… lớn lên như thế nào từ khi chúng ở trong hình hài của 1 hạt giống dường như là một điều quá ư bình thường với mình. Bình thường đến mức coi nó là 1 cái gì rất đỗi hiển nhiên thôi, có gì mà phải nghĩ ngợi suy tư. Phải mất rất nhiều thời gian sau này mình mới bắt đầu “biết rung động” trước một cảnh tượng tưởng như bình thường mà hóa ra lại đáng yêu như thế.
Chẳng hạn như chuyện mấy cái cây con của mình đang nhú mầm xanh non kia vậy. Cho mấy cái hạt giống bỏ vô cái cốc mì ăn liền đã được đổ đầy đất từ trước, tưới ẩm nước, rồi để yên đấy, thi thoảng cho chúng uống thêm đủ nước (nghe giống trò chơi đồ hàng ngày nhỏ xíu nhỉ). Chỉ 5-7 ngày sau đã thấy những mầm non đội đất chui lên, thân gầy mảnh trắng xanh, hai tai lá mới nhú còn đang bị kẹp giữa hạt giống màu đen mình mẩy còn đất cát. Cảnh tượng đẹp như vầy mà mãi mãi sau này mình mới phát hiện và “biết rung động” với nó.
           Nhìn thấy cái cây của mình trồng từ một hạt giống nhỏ, rồi một ngày nó đội đất chui lên, với mình, là kéo theo một cảm giác gì đó thật hạnh phúc. Niềm hạnh phúc đó, ngẫm lại, cũng không khác gì lúc mình đạt được một thành quả đáng tự hào trong đời, bất kể lớn nhỏ ra sao. Rốt cuộc thì cũng đã có những cái cây vì lòng mong mỏi của mình mà trỗi dậy từ những hạt giống khô khan.


Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Về cái sự học




Thật là xấu hổ khi nghĩ lại cái thời mà điểm số môn Địa lý của mẹ thì cao vút nhưng mẹ hệt như 1 con vẹt, tuôn ra bao nhiêu lúc làm bài thì cũng quên hết bấy nhiêu sau đó. Lúc nào cũng thấy ngưỡng mộ cái thằng bạn bàn dưới, điểm số hắn ko cao nhưng sự hiểu biết là có thật, chẳng hạn như bất cứ lúc nào cũng có thể đọc bản đồ địa lý, và nhớ tên Thủ đô của mọi quốc gia trên thế giới cứ gọi là vanh vách…

Thật là nhục nhã khi là sinh viên, nói chuyện với các bạn ngoại quốc mà kiến thức lịch sử đất nước của mẹ cũng chỉ bé tí teo như 1con kiến. Những con người của lịch sử và đủ các thể loại chiến tranh trong nước, chiến tranh ngoài nước mẹ chẳng biết được là bao. Lúc đó mẹ thấy, thiếu kiến thức lịch sử là một cái gì đó thật tệ hại và khó chấp nhận đối với một cá nhân của đất nước đó…
                                                                                     
Thật là một sự thiếu hụt trầm trọng nếu không học môn văn một cách tử tế con ạ. Không phải ai cũng có năng khiếu văn học, nhưng nếu chịu đầu tư, ai cũng có khả năng học môn văn tốt hơn. Học văn là để học làm người. Làm người hơn muôn loài ở chỗ có cảm xúc, biết yêu thương cái đẹp, ghét chê cái xấu, cảm thông chia sẻ, biết rơi lệ trước nỗi đau, biết cười trong cuộc sống… Thiếu văn học, con sẽ trơ ra và khô khốc như một cái máy chỉ biết làm việc mà ko biết cảm thụ cuộc sống đâu con ạ…

Túm lại là học để hiểu biết thì có thể học được cái gì thì cứ phải học hết con ạ, không bao giờ là thừa đâu. Biết được học cái đó để làm gì và sự cần thiết ra sao với bản than thì sẽ không sợ học đâu. Đừng nên ngu si giống mẹ, sớm muộn gì cũng cum cúp đuôi mà lo học lại đấy con ạ. Học để làm người là phải “học, học nữa, học mãi” con ơi…

"Người bạn thân tên Buồn"

“Tôi có người bạn thân người ấy tên là Buồn
Hai đứa quen nhau từ ngày mới lớn
Ngày đó Buồn còn xa lạ không hay đến thăm tôi
Ngày đó còn nhiều mơ mộng nên tôi cũng không thân”

(Huy Tuấn)

Rồi thì qua từng ngày từng ngày, khi mà tôi lớn thêm lớn thêm, tôi hiểu rằng cho dù tôi có né tránh ra sao đi nữa, thì hiển nhiên vẫnlà: chẳng bao giờ tôi có thể xa rời người bạn tên Buồn đó được, như thể đó là một thành phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người vậy. Người bạn ấy lúc nào cũng muốn "chơi" cùng tất thảy mọi người.

Lúc mà tôi buồn quá, đương nhiên tôi gần như mất hếtmọi hứng thú và sự quan tâm của mình với thế giới bên ngoài. Tôi gần như sống trọn vẹn với nỗi buồn của mình, hoàn toàn cô đơn và khổ tâm, cũng chẳng muốn động tay chân vào bất cứ việc gì, hoặc dễ mất cảm giác chuyên tâm trong công việc. Những lúc như thế, tôi có cảm giác như không còn gì có thể tồi tệ hơn với mình nữa, hoàn toàn tuyệt vọng và bế tắc khi nghĩ chẳng có cách gì kéo mình ra khỏi nỗi buồn lê thê khổ sở này mất. Phải làm sao bây giờ?

Tôi phải thú nhận rằng có những lúc tôi cảm thấy buồn như thể ngày tận thế đến rồi vậy. Đôi khi tôi phải dừng lại ở bậc cửa giữa lưng chừng của đau khổ tuyệt vọng và một chút hy vọng nhỏ nhoi trong tôi. Bên này cửa,tôi có cảm giác như dẫu tôi có cố gắng thế nào đi nữa thì mọi thứ tôi ao ước được cải thiện sẽ vẫn quay lưng lại với tôi, mặc cho tôi cố gào thét ra sao. Còn bên kia, mọi thứ sáng sủa và đẹp tươi như tôi đang khao khát và hướng đến đang tưng bừng chào đón. Cảm giác day dứt đang cố dằng xé tôi trước bậc cửa này, nhưng mà lời nói tôi buột ra khỏi miệng khi đó lại không cho phép tôi dùng những từ ngữ đáng sợ cho bản thân mình. Tôi cảm thấy có lỗi với chính bản thân mình nếu làm như vậy, tôi thấy thương chính mình. Có lẽ chính cảm giác ấy đã cứu rỗi tôi, để chút hy vọng nhỏ nhoi trong tôi chiến thắng nỗi buồn gớm ghiếc ấy. Những ý hướng tích cực muốn thoát khỏi “người bạn tên Buồn” ấy bắt đầu cựa quậy trong tim và đưa tôi sang bậc cửa bên kia. Lần nào tôi buồn cũng thường vậy, trừ có những nỗi buồn mà tôi biết tôi chỉ đủ sức ru chúng vào giấc ngủ ở một góc nào đó trong tim mà thôi, chứ không ngăn được những lúc chúng chợt tỉnh giấc, và lại cần ru ngủ.

Trải qua những biến động với người bạn tên Buồn từ khi mới lớn, tôi bắt đầu chớm hiểu về câu: “Rồi sẽ qua hết” hay “mọi chuyện rồi sẽ ổn” mà người ta vẫn động viên nhau mỗi khi gặp chuyện Buồn. Tôi muốn kể về một ví dụ để minh họa cho việc tôi đã đi qua một nỗi buồn thông thường của mình như thế nào, vì như đã nói, những nỗi buồn kinh khủng hơn thì tôi chưa nghĩ ra, và đành chấp nhận đó là một phần của đời mình mà.

Tôi nhớ một dạo có những ngày thật tồi tệ, tôi gần như bất lực trước những nỗi buồn của mình. Mặt khác tôi lại tò mò muốn biết rốt cuộc sau đỉnh điểm của nỗi day dứt khổ sở ấy là cái gì? Tôi đã đi qua nỗi buồn đó như thế nào? Tôi mất khoảng một ngày đau khổ tuyệt đối, chẳng muốn làm gì hay nghĩ ngợi điều gì, chỉ yên lặng mà thôi. Cho tới khi tôi chợp mắt rồi đi vào giấc ngủ, tôi nằm mơ. Trong giấc mơ, tôi vẫn thấy mình chênh chao chới với, và đau khổ khôn cùng khi vẫn đang phải chống chọi với nỗi buồn đang mắc phải.Thật đặc biệt là cho dù vẫn đau khổ như thế, nhưng giấc mơ lại đưa tôi về những ngày còn đang đi học, chi tiết thế nào thì tiếc rằng tôi không nhớ rõ để có thể ghi lại. Duy chỉ có một chi tiết tôi khắc cốt ghi tâm, đó là hình ảnh tôi với nỗi tuyệt vọng lớn đang trở về nhà, và trên triền đê tôi thấy mẹ tôi dắt chiếc xe đạp cũ đang đứng đó chờ tôi, miệng mỉm cười và nhẹ nhàng bảo tôi: “Về đi con, rồi sẽ qua hết…”  Tôi như một đứa trẻ, khóc nức nở và chạy đến bên mẹ, rồi thì tôi tỉnh giấc. (Bạn đã bao giờ thử ghi nhớ giấc mơ của mình bằng cách viết lại vào một cuốn sổ tay nho nhỏ, hay gõ lại trên trang mạng cá nhân của mình chưa, biết đâu sẽ tìm thấy một sự thú vị bất ngờ nào đó cho riêng mình đấy.)

Sáng hôm sau mở mắt đón bình minh, chi tiết về giấc mơ ấy lại khiến tôi bật khóc. Khóc vì tôi hiểu rằng tôi cần được yêu thương biết bao. Khóc vì tôi hiểu rằng dù thế nào thì luôn có một nơi nào đó, một ai đó để tôi vịn vào mà đứng dậy đi tiếp, thay vì cứ bất động và buông xuôi không mục đích. Khóc vì tôi nghĩ rằng, cả giấc mơ cũng ưu ái cho tôi một sự ấm áp dịu dàng đến thế, vẫn vỗ về tôi đến thế, thì cớ gì tôi không biết trân trọng và coi đó là một sự an ủi để vươn lên. Đó là thời điểm những ý hướng tích cực bắt đầu nảy nở. Khi đó dường như những lời khuyên lúc bạn mất phương hướng đến nỗi phải gõ vào google để hỏi: “Làm gì để bớt buồn?”, như là: đọc sách, xem phim, tập thể dục, đi dạo, trồng cây, trò chuyện với một người bạn tích cực, ăn đồ gì đó ngon ngon… v.v, bây giờ mới thực sự có tác dụng nếu bạn thật sự hành động. Chỉ cần có suy nghĩ và hành động là sẽ cảm nhận được "rồi sẽ qua hết" nó diễn ra như thế nào. Chứ bình thường thử ngẫm lại mà xem, trước khi muốn làm những điều này mà ý hướng tích cực là cần phải thoát khỏi sự đeo bám của nỗi buồn mà cũng không có, thì khó có thể bắt tay hoạt động và có kết quả như mong đợi, bởi vì bạn vẫn còn quá yêu nỗi buồn của mình mà…

Chợt nhận ra rằng cũng nhờ có người bạn tên Buồn mà chớm hiểu thế nào là: Gieo suy nghĩ, gặt hànhđộng; Gieo hành động, gặt thói quen”, còn thì như thế nào là“Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận” thì cần thêm thời gian trải nghiệm, có khi là cả cuộc đời, đồng nghĩa với việc người bạn tên Buồn sẽ tiếp tục đưa ra những tình huống phức tạp hơn nữa để “chơi” cùng chúng mình… Cũng nhờ bạn Buồn mà dễ chấp nhận hơn hiện thực khi hiểu rằng, cuộc sống như một bản nhạc, bên cạnh những thang âm cao vút là những nốt trầm e ấp…:)

P/S: 5h00am -11/10/2013 - Viết lan man cho một đêm không trọn giấc :)