Mẹ đã sinh ra mình vào giữa mùa hạ chín và cho đến hôm
nay, mình đã đi qua gần tròn 24 mùa hạ. Chỉ còn vài ngày nữa thôi, mình sẽ bắt
đầu chào đón những điều mới mẻ khác của bản thân trong ngưỡng cửa thứ 25 của
cuộc đời mình. Đứng trước cánh cửa sắp chạm tới, mình muốn lưu lại đôi điều của
những ngày qua.
Đi qua mỗi ngày sống, 24 năm tồn tại cũng được coi là không
quá ít để mình có thể cảm nhận được những cung bậc cảm xúc khác nhau của một
người bình thường: vui, buồn, hứng khởi, chán nản, thất vọng… Mình cũng có thể nhận
thấy những đổi thay ngay trong suy nghĩ và hành động của chính bản thân, qua
những thành công đạt được hay những thất bại buộc phải chấp nhận trong cuộc
sống. Và cho đến thời điểm này, mình cũng đã khá tự tin và mạnh mẽ đủ để luôn tự
khuyến khích, rằng những điều tốt đẹp vẫn sẽ luôn mỉm cười với mình, dù chúng
đến sớm hay muộn hơn người khác, dù phải trải qua khó khăn thử thách nhiều ít
khác nhau, và gần như là do mình tự quyết định mà thôi. Điều quan trọng là phải
biết “vị trí thật sự của mình” đang ở đâu để biết trân trọng hơn những điều
mình đang có, biết suy nghĩ và nỗ lực hơn để hướng tới những gì mình muốn có và
sẽ có trong tương lai. “Vị trí thật sự” ở đây chính là xuất phát điểm của mình,
là hoàn cảnh hiện tại, là chính năng lực của mình đối với những khía cạnh của
cuộc sống, là ý chí vươn lên để vượt qua những thử thách mà cuộc sống đặt
ra…v.v
Lòng tự tin và tinh thần lạc quan thực sự là “bảo
bối”, cũng là “vật trang điểm” tuyệt vời cho mỗi người song song với những cố
gắng không mệt mỏi của bản thân họ. Tuy nhiên, những biến đổi bất ngờ luôn nảy
sinh cùng với những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống có lúc thật tàn nhẫn.
Ngay cả những người giỏi giang, tự tin và lạc quan thế nào đi chăng nữa cũng có
những thời điểm không thể kiểm soát được những suy nghĩ tiêu cực, những phút
giây mệt mỏi vì kiệt sức, chán nản và thất vọng như chỉ muốn buông xuôi tất cả.
Và có lúc cảm thấy “hoang hoải” với tất cả những gì đang diễn ra xung quanh
trước sự mịt mờ về định hướng hiện tại, về mơ ước tương lai, và trước những
hoài nghi về các giá trị của cuộc sống. Mình cũng như thế, cũng không ngoại lệ.
Có những lúc trông thấy những điều đang thuộc sở hữu của người khác mà tinh
thần bị tổn thương ghê gớm, có đôi chút tủi thân, có những khao khát cháy rực
đến nỗi sắp biến thành sự thèm thuồng dữ dội. Những thất bại sau những nỗ lực không
mệt mỏi đôi lúc đẩy mình rơi vào trạng thái tuyệt vọng, không ngừng chán ghét
và nguyền rủa bản thân vô dụng, hoài nghi về khả năng của bản thân, để rồi sau
cùng rệu rã vì thất vọng, tự ti với tất thảy mọi người, trông mình thật thảm
hại: cứng đầu, bất cần và chẳng còn sức sống… Những lúc bình tĩnh và suy nghĩ
lại, thấy những cảm giác đó thật đáng sợ.
Thế nhưng, như một điều cũ rích trong sách vở đã động
viên rằng: nếu không nếm trải chuỗi những cảm xúc tiêu cực, không trải qua
những thất bại trên đường đời, làm sao người ta biết nhận ra và trân trọng
những điều tốt đẹp ở bên cạnh mình; làm sao người ta mạnh mẽ hơn để sẵn sàng
đương đầu với những khó khăn phía trước luôn xảy ra bất cứ khi nào; làm sao
người ta ý thức một cách nghiêm túc được về sự tồn tại của mình kể từ khi được
mẹ ban cho một sự sống. Và từ đó, người ta trưởng thành thêm, từng chút từng
chút một theo năm tháng, cho tới khi họ không còn tồn tại nữa, nếu may mắn được
đi hết cuộc đời mình theo quy luật tự nhiên: sinh, lão, bệnh, tử, chứ không bởi
bất cứ một rủi ro đáng tiếc nào xen vào cuộc sống. Có lẽ phải nếm trải những
mùi vị khó chịu ấy, những thách thức bất ngờ ấy, người ta mới không chỉ có cảm
nhận xuông thôi về những thứ “sách vở” ấy, mà hơn hết là có thể thấu hiểu được
chúng, để dễ dàng thông cảm và chia sẻ với người khác hơn, và cũng để tích góp
cho mình những bài học quý giá để tự tin vững bước trên đường đời.