Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

"Thép không gỉ"

Khi nói đến “thép không gỉ” thì chắc bạn cũng như tôi, dù có hiểu biết ít nhiều về bản chất cơ khí kỹ thuật hay không, cũng phần nào thấy được một vài đặc trưng, ý nghĩa và tác dụng của nó trong đời sống. Còn khi mượn hình ảnh “thép không gỉ” để tượng trưng cho sức mạnh của nét đẹp nội tâm con người, thì bạn đã hình dung được nó như thế nào chưa nhỉ? Dừng lại để suy ngẫm một chút thôi nhé, thế nào bạn cũng tìm ra được không ít những mẫu “thép không gỉ” trong cuộc sống đời thường của mình, mà theo thời gian những nét đặc trưng ấy vẫn ít phai tàn lắm.
Đương nhiên, bạn có thể dễ dàng nhìn ra những mẫu “thép không gỉ” ấy có thể là những người than ở ngay bên cạnh mình, như là bà, là mẹ, là các bác họ hàng, làng xóm… Nhưng bạn biết đấy, cuộc sống đôi khi thật diệu kỳ khi bạn được gặp gỡ hết người này đến người khác trong cuộc đời mình. Có nhiều người chỉ đi ngang qua bạn thôi rồi có thể sẽ không còn được gặp lại nữa, nhưng dấu vết của họ vẫn in lại trong trái tim của bạn bằng một vài kỷ niệm nào đó thật khó phai mờ. Trong số ấy, biết đâu bạn cũng như tôi, tìm thấy ở họ sáng lên một tâm hồn mà nội tâm của họ như thế những mẫu “thép không gỉ” theo thời gian vậy. Họ nhẹ nhàng đi qua cuộc sống của tôi như những ngọn gió mát lành, dễ chịu, giúp tôi xua đi những sắc màu u ám của nỗi muộn phiền, để thổi về những cảm xúc trong trẻo khoáng đạt, thôi thúc một ý chí kiên cường hơn trong cuộc sống. Và tôi sẽ kể bạn nghe về hai người phụ nữ – hai mẫu “thép không gỉ” như thế, đã đi qua đời tôi…
Người thứ nhất là bác Phúc – một cán bộ hưu trí khoa Điện hóa, ĐH Bách Khoa, người tôi đã gặp khi đang là sinh viên cuối năm thứ 4. Tôi biết bác Phúc và cái quán trà đá yên tĩnh của bác tại một góc đằng sau khu nhà C7 – C8 trường tôi) qua mấy anh bạn khóa trên tôi, học khoa Nhiệt Lạnh (C7 là khu văn phòng khoa Nhiệt Lạnh). Kể từ đó, quán trà đá yên tĩnh của bác Phúc luôn là sự lựa chọn của tôi mỗi khi muốn giải tỏa cơn khát nước của mình sau mỗi giờ học, hoặc trong lúc đợi chờ bạn, hay một lúc rỗi rãi vô thường nào đó. Tôi thường chỉ đi một mình thôi, thỉnh thoảng mới rủ thêm bạn, vì các bạn gái của tôi thường hay ngại lắm. Tôi thích đến chỗ bác Phúc không chỉ vì nước của bác ngon – rẻ hơn, vệ sinh hơn, góc ngồi yên tĩnh hơn, mà còn vì tôi rất thích nói chuyện với bác nữa. Tôi được nghe kể về cuộc đời gian truân của bác – một người góa phụ trẻ với bốn cô con gái nhỏ. Bác đã kể cho tôi những khó khăn trong cuộc đời đã qua của bác, về cách bác đối mặt và giải quyết ra sao. Để rồi cho đến bây giờ, người phụ nữ ngoài 60 tuổi ấy đã nuôi dạy 4 cô con gái ấy thành những người phụ nữ giỏi giang và thành đạt như thế nào. Trong nét mặt của bác Phúc, lấp lánh ánh sáng của niềm tự hào mãn nguyện của một người mẹ, và cả một người cha. Tôi bị cuốn hút trong những câu chuyện về cuộc đời bác, và tôi còn bị hấp dẫn và cảm động trước tinh thần lao động và tấm lòng nhân hậu của bác nhiều lắm. Con cái bác giờ đây đã thành đạt hết và hoàn toàn có thể phụng dưỡng bác đầy đủ nhất. Thế mà bác vẫn ngày ngày ra quán nước này, lấy lao động làm nguồn vui của mình, để vẫn thấy mình sống có ích và độc lập. Bác thường cho các sinh viên nghèo vay tiền nếu có. Bác hay nấu nhiều cơm và thức ăn để cho một vài anh sinh viên nào đó những khi ngồi quán nước của bác ăn trưa khi khẩu phần ăn của họ là những chiếc bánh mì tạm bợ… Tôi có lần được bác đãi hẳn bát phở bò to tướng nhân dịp bác nhận lương hưu, và cũng hay được bác cho cả hoa quả nữa… Tôi rất thích mỗi lần lấp ló ra quán của bác, bác thường giơ tay, cười tươi và chào lại tôi: “Ah, C ah, vào đây…”. Có vẻ như quán bác ít sinh viên nữ lắm, nên lần nào tôi đến bác cũng hay giới thiệu tôi với các anh chàng C7-C8 rằng: “Con gái khoa TP đấy, bên C4 kia kìa”, vì thế sự xuất hiện của tôi tại đây cũng dần dần trở nên quen thuộc với họ. Ra trường, tôi đến chào bác, xin số điện thoại của bác nhưng bác không cho. Bác bảo nhớ đến bác là được rồi, bác dặn tôi phải luôn cố gắng trong cuộc sống, là con gái càng phải cố gắng nhiều hơn. Giờ thì tôi biết bác không còn bán nước tại góc xưa nữa, có lẽ đã đến lúc bác muốn dành thời gian nghỉ ngơi với con với cháu, và làm để những điều khác nữa…


Người thứ hai là cô Hạnh – quản lý của tôi tại công ty thứ nhất tôi làm. Tôi ấn tượng với cô bởi sự cởi mở dịu dàng hiện trên nét mặt tươi trẻ khó đoán tuổi của cô, bởi tâm hồn không phôi pha theo thời gian, và bởi tinh thần ham học hỏi và lao động không mệt mỏi của cô nữa. Cô và tôi, hơn kém nhau 2,5 lần tuổi, nhưng có cách nói chuyện với nhau giống như hai người bạn vậy. Đôi khi cô dạy bảo và chở che tôi giống như một người mẹ. Cô đọc được ý nghĩ rằng tôi sẽ sớm rời khỏi công ty này nhưng luôn lắng nghe những dự định, ước mơ của tôi, ủng hộ tôi cho tới khi tôi rời khỏi đó. Sự lạc quan và tươi trẻ của cô – người phụ nữ cận 60 tuổi, luôn làm tôi ngưỡng mộ lắm. Tuổi của cô là về hưu ở công ty cũ rồi, gia đình cô giờ cũng chẳng còn thiếu thứ gì, nhưng cô vẫn thích đi làm lắm, và cô xin vào công ty này, để tiếp tục được làm việc. Thời của cô ngày trước, công việc không cần dung đến máy tính soạn thảo mà ghi chép bằng sổ sách tay thôi. Giờ đến công ty này, cách làm việc mới, cô cũng mày mò học soạn thảo và kỹ năng vi tính. Lúc nào trong túi áo của cô cũng có một cuốn sổ nho nhỏ để ghi chép những gì cô học được. Tôi hướng dẫn cô cách đánh máy trên Word, Excel, cách sử dụng USB, cách gửi email… Cô chăm chú ghi lại tất cả và thực hành rất cẩn thận. Những khi rảnh việc, cô hay lôi tôi vào bàn làm việc và bảo: “Mày dạy cô vi tính tiếp nhé!” Dù có khi tôi phải đánh lại gần hết văn bản của cô vì sai lỗi chính tả nhưng tinh thần học hỏi của cô khiến tôi rất cảm phục và sẵn sàng học vi tính với cô. Giữa tôi và cô Hạnh tự nhiên tồn tại một thứ tình bạn thật đặc biệt. Ngày tôi rời công ty cũ, tôi tặng cô một cuốn sổ nhỏ và chép bài thơ của mình vào đó làm kỷ niệm tặng cô. Không ngờ hôm đó cô cũng đọc cho tôi nghe về mối tình đầu của cô, về những bài thơ tình cô viết, và cô dặn tôi: “nên dũng cảm nắm lấy hạnh phúc của mình, đừng để khi phải dùng đến từ nuối tiếc…” Cô và tôi vẫn thi thoảng lien lạc với nhau qua điện thoại…
Phải thừa nhận rằng, trước khi kể câu chuyện về hai người phụ nữ - hai mẫu “thép không gỉ” kia, tôi đang nghĩ đến những chuyện rất buồn chán, và cứ thế muốn đẩy nỗi buồn của tôi đến một nơi không bờ không bến, và cảm thấy tôi yếu đuối vô cùng… Thế nhưng, bỗng nhiên nhớ lại hai hình tượng ấy, tôi thấy mình vừa được nạp thêm một nguồn năng lượng mới, ví như các loại vitamin để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình tự tạo ra mẫu “thép không gỉ” trong nội tâm của bản thân tôi vậy… Và tôi thấy mình mạnh mẽ hơn…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét