Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Cô đơn thời hiện đại

Đã từ lâu rồi, mỗi lần dạo qua các blog hay các trang mạng xã hội khác, mình đã không ít lần trông thấy những entry, những dòng trạng thái của nhiều người phản ánh một nỗi niềm tâm sự, được tóm gọn bởi hai từ “cô đơn”. Cảm thấy băn khoăn và tìm đọc thông tin từ một số nguồn khác nhau và mình nhận ra rằng: cô đơn là cảm giác thuộc về một dạng thức của tâm lý, mà trong đó cảm giác cô đơn giữa sự vây quanh của rất nhiều người có lẽ là cảm giác chung nhất mà hầu hết chúng ta đều trải qua. Cảm giác cô đơn có thể xảy ra với trẻ em, thanh niên, người có gia đình và cả những người già, với những nguyên nhân chủ quan và khách quan giống nhau hoặc khác nhau. Trong đó, xét trong một phạm vi hẹp liên quan đến những thanh niên sống giữa thời hiện đại như mình, thì vấn đề về cảm giác cô đơn ngày càng được quan tâm đến nhiều hơn.
Nói đến cô đơn, thật ra mình chưa đủ trải nghiệm và hiểu biết để có thể đưa ra những quan điểm sâu sắc, nhưng đó cũng là một điều khiến mình muốn tìm hiểu để rõ hơn về một trạng thái cảm xúc của con người trước thực tế cuộc sống. Chỉ là với góc độ của một thanh niên đã trải qua thời kỳ niên thiếu, đang sống trong thời đại mà tốc độ phát triển của khoa học công nghệ và kinh tế đang diễn ra quá gấp gáp đã không thể không dẫn tới những hệ quả liên quan đến trạng thái cảm xúc và tâm lý của con người, mình rất muốn được hiểu rõ hơn về bản chất của sự cô đơn. Quá nhiều hiện tượng tâm lý phát sinh trong thời hiện đại đang được xã hội quan tâm đến nhiều hơn. Một vài thực trạng của cuộc sống hiện đại phản ánh cảm giác cô đơn mà ngày càng nhiều người đang nếm trải.
Theo dõi dựa trên thực tế cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng, có lẽ ai trong chúng ta cũng nhìn thấy không ít những thực trạng đáng buồn và bi quan về quan hệ giữa người với người, khiến cho cảm giác hoài nghi về mọi thứ trong cuộc sống luôn luôn ẩn hiện trong suy nghĩ của mỗi người. Cảm giác cô đơn cũng là một hệ quả không tránh khỏi trước những điều kiện ngoại cảnh như thế.
Nhu cầu giao tiếp là một thuộc tính tự nhiên của con người, khát khao được quan tâm chia sẻ chân thành cũng là một tất yếu. Sự phát triển của internet đã mở ra nhiều lợi ích đáng kể trong việc giao lưu kết bạn từ khắp mọi miền khác nhau, khiến cho thế giới bao la bỗng vô hình  được thu nhỏ lại. Không thể phủ nhận sức lan tỏa và lợi ích từ sự chia sẻ bất tận này giữa những con người đã biết nhau cũng như chưa từng được gặp nhau bao giờ. Không thể phủ nhận rằng từ đó, niềm vui được nhân rộng lên cho rất nhiều người, vực dậy tinh thần cho không ít ai đang rơi vào trạng thái bi quan, chán nản. Nhưng thành thật mà nói, cảm giác cô đơn cũng là một hệ quả phát sinh từ hiện tượng sống trong thế giới ảo quá nhiều như thế. Lang thang trong thế giới ảo để mong tìm được sự chia sẻ, nhưng thật ra lại không thể chia sẻ được nhiều. Thế giới ảo này giống như một nơi trú ngụ tự nhiên mà người ta lựa chọn để giải quyết một phần nào đó cảm giác cô đơn của mình, đôi khi là để tìm đến một niềm vui tức thời của một ai đó. Nhưng sự ào ạt và thật ảo lẫn lộn khiến người ta thường hoài nghi về nhau và ít khi trải lòng mình một cách chân thực nhất, cũng như không dễ để nhận ra được những con người “vẫn luôn sống thật ngay cả trong thế giới ảo” và những con người “sống ảo ngay trong thế giới thật” (Theo cách nhận định được viết trong một entry blog của một người bạn tên Trí Không mà mình đã từng đọc). Vậy nên, trong thế giới ảo, không phải lúc nào người ta cũng dễ dàng tìm thấy một sự chia sẻ chân thành và sâu sắc nhất để giải tỏa cảm giác cô đơn. Sau những giây phút “náo nhiệt” trong thế giới ảo, người ta nhận ra rằng sự trống rỗng vô phương hướng vẫn bao trùm cả tâm tư của mình.
Một hiện trạng nữa từ sự phát triển của công nghệ thông tin và internet chính là sự thu nhỏ lại vòng tròn giao lưu từ những miền đất xa xôi, nhưng đồng thời lại làm cho sợi dây kết nối giữa những cá thể vốn đang gần gũi nhau trở nên tách biệt xa cách nhau hơn. Người ta có thể sử dụng internet để tìm thông tin của những người nổi tiếng và kết bạn với những người cách xa cả nửa vòng trái đất. Chỉ cần ngồi một chỗ, trong một không gian có mấy mét vuông thôi, người ta có thể thực hiện được điều đó một cách dễ dàng mà chẳng cần phải đi đâu xa. Trong khi đó, họ gần như chẳng biết đến những người hàng xóm ở ngay bên cạnh nhà mình, gần như không biết mặt và cũng chẳng biết tên, càng không biết ít nhiều những diễn biến thường ngày mang tính cộng đồng của nhau. Vậy nên muốn hỏi thăm ai đó tình hình của người hàng xóm ở ngay kế bên nhà anh ta quả thực nhiều khi cũng không dễ. Quan hệ xóm giềng ngày càng trở nên xa cách và mờ nhạt, cảnh “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” ngày càng trở nên hiếm hoi, sự tương trợ giúp đỡ nhau khi cần thiết trở nên khó khăn hơn...
Trên đây chỉ là một thực trạng do sự phát triển của công nghệ thông tin và internet phản ánh phần nào về sự cô đơn của con người, theo suy nghĩ của mình. Ai trong chúng ta cũng có thể nhận thấy thực trạng này xảy ra như thế nào trong gia đình, trong trường học, trong công việc… dưới quá nhiều áp lực của cuộc sống, của cuộc chạy đua để làm giàu lên tài sản về vật chất nhưng lại làm nghèo hơn tài sản tinh thần. Để rồi từ đó quan hệ giữa người với người ngày càng có những khoảng cách và những hoài nghi lo sợ, sự yêu thương, chia sẻ chân thành và sâu sắc trở nên hiếm hoi hơn. Sống thật lòng mình trở thành một điều ước đôi khi khó thực hiện được trong cuộc sống nhiều lo toan tính toán, và cảm giác cô đơn, không vui không buồn, vô định vô hình theo đó được hình thành.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét