Trong văn hóa và thói quen của người dân Việt Nam,
ngày đầu tiên của năm mới được quan niệm là ngày rất quan trọng cho một sự khởi
đầu mới mẻ. Vào những ngày đầu tiên của năm mới, người ta hay tin rằng nếu mọi
chuyện đều diễn ra suôn sẻ và ai nấy đều vui vẻ thì cả năm ấy mọi sự, mọi việc
sẽ bình an và suôn sẻ. Do đó người ta thường tranh thủ làm rất nhiều việc tốt
lành để thể hiện ước mơ và hy vọng của mình gửi gắm trong năm mới. Mỗi người có
cách mừng năm mới cho riêng mình. Riêng với tôi, một trong những thông lệ thường
niên sau những phút giây đón giao thừa với gia đình chính là thói quen “khai
bút đầu xuân”. Thông lệ này đã được duy trì kể từ khi tôi học lớp 6 đến bây giờ,
chưa năm nào tôi bỏ qua.
Với tôi, khai bút đầu xuân có ý nghĩa tinh thần hết
sức thiêng liêng. Trước năm mới, tôi thường nghĩ trước rằng tôi sẽ khai bút như
thế nào khi cầm cây bút và tờ giấy. và sẽ hết sức tâm niệm và chân thành trước khi
đặt bút. Khi còn là cô bé học sinh phổ thông, giao thừa xong, khi mọi người
trong gia đình tôi đã đi ngủ hết, tôi thường lặng lẽ ngồi bên bàn học của mình
và khai bút bằng một bài tập của môn học mà tôi thích nhất và giỏi nhất. Gửi gắm
trong đó là quyết tâm cả năm ấy tôi sẽ luôn chăm chỉ, sẽ được suôn sẻ trong học
tập. Theo mạch cảm hứng ấy, tôi thường giải thêm những bài tập khó hơn để thể
hiện quyết tâm không lùi bước trước những khó khăn và thử thách. Có năm, tôi gần
như thức trắng cho đến khi nghe thấy tiếng bố mẹ tôi gọi xuống nấu ăn.
Khi tôi vào đại học, cùng khai bút với tôi thường có
cả em gái tôi nữa. Lúc này tôi thường khai bút kiểu khác hơn, vì học đại học
không giống học phổ thông nữa rồi. Tôi thường viết ra giấy những điều ước của
mình, những niềm hy vọng để khơi dậy niềm tin trong tôi trước những thử thách của
cuộc sống. Những ngày cuối cùng của năm cũ, tôi vẫn thường nhìn lại mình để
nghĩ suy, để nhìn nhận những kết quả tốt đẹp mà tôi đã làm được, cũng như gom
góp những nhược điểm và những điều đang băn khoăn trăn trở để tìm cách giải quyết
và khắc phục trong năm mới. Những mâu thuẫn với bạn bè và người thân, nếu có thể
được tháo gỡ, tôi cũng tìm cách thực hiện trước khi năm mới sang. Sau tất cả,
những gì còn vương vấn, những dự định và ước mong sẽ được tôi thành tâm cầu
nguyện trong phút giao thừa và trong cả những nét chữ đầu tiên của năm mới.Năm nay cũng như vậy, nhưng tôi đã có cải biến hơn về mặt hình thức thể hiện những nét bút khai xuân của mình. Từ chất liệu giấy, màu sắc, ý tưởng, những nét vẽ và tâm nguyện của tôi đều được chuẩn bị và thực hiện cầu kỳ hơn, có hồn hơn so với những năm trước. Dẫu sao, năm mới này cũng là năm tuổi của tôi, và những suy nghĩ cũng như tư tưởng trong tôi đã có phần mới mẻ và phong phú hơn trước đây.
Nói chung, khai bút đầu xuân là một mỹ tục trong văn
hóa tết của người Việt Nam, và cũng là một thông lệ mà tôi đặc biệt coi trọng
suốt bao nhiêu năm qua. Những nét viết đầu tiên ấy, cũng theo quan điểm chung của
thông lệ này, là để hướng tới sự chân – thiện – mỹ, được gửi gắm qua những ước
vọng và niềm tin về một cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, người
thân, bạn bè...