Tôi nghĩ rằng
sẽ không ít lần nhiều người khác cũng giống như tôi, khi chỉ có một mình với
khoảng không gian vô định vô hình, sẽ có lúc “lục lọi” và tìm lại những “kỷ niệm biết nói” để rót đầy khoảng
trống này bằng đủ thứ cảm xúc hòa tan trong nhau.
Những “kỷ niệm biết nói” đó
có thể là những bức ảnh ghi lại những ngày bạn cùng những người yêu mến đã cùng
nhau trải qua; có thể là những cuốn lưu bút thuở ngày xưa; hay là những trang
nhật ký, những món quà nhỏ xinh, những tấm bưu thiếp với những lời nhắn gửi,
chúc mừng đầy tình cảm của những người yêu mến bạn… Chắc chắn là khi đó bạn sẽ
ít nhiều thấy được “giá trị” từ những “kỷ
niệm biết nói” này.
Giống như
nhiều người khác, tôi cũng thích chụp ảnh cùng với bạn bè và người thân vào
những ngày kỷ niệm hay bất cứ một dịp nào khác có thể. Giờ đây, khi chiếc máy
ảnh đang ngày càng trở thành một thứ đồ phổ biến với mọi người, thì việc chụp
ảnh càng trở nên dễ dàng và thường xuyên hơn ở bất kỳ nơi nào bạn có mặt.Bạn thường thấy các ông bố, bà mẹ rất thích chụp ảnh và ghi hình những đứa con của họ từ lúc các em bé ấy mới chào đời, đến từng ngày từng ngày một họ chăm chút, nuôi nấng và yêu thương chúng. Và bạn chắc cũng để ý thấy nét mặt rạng ngời hạnh phúc cùng những nụ cười viên mãn của họ mỗi khi xem lại những khoảnh khắc này, hay khi họ chia sẻ chúng với những người thân của họ. Chừng ấy thôi chắc hẳn cũng là một động lực quan trọng để họ ngày càng làm trọn vẹn hơn chức phận của mình dành cho con cái…
Những khi chỉ
có một mình, tôi cũng thường giở lại những bức ảnh cũ ra như thế. Ít nhất thì
trong cái khoảnh khắc cô đơn ấy, chúng cũng khiến cho tôi biến sự trống trải
lúc ấy trở thành thứ gì đó như kiểu chỉ là phù du thôi… Tôi thấy mình trẻ lại,
cũng vui vẻ và yêu đời đấy chứ. Tôi thấy nhớ những người tôi yêu mến, dù chẳng
thường trực ở bên tôi mọi lúc, mọi nơi nhưng tôi biết, họ sẽ luôn ở bên tôi mỗi
khi tôi thật sự cần…
Tôi có thói
quen cất giữ đủ mọi thứ linh tinh và vụn vặt mà tôi có, hoặc từ người khác cho
tôi. Những thứ ấy ngày càng chiếm nhiều diện tích của căn phòng nhỏ. Hồi bé,
nhiều lần tôi giãy nảy lên vì giận mẹ khi bà phải mất công dọn phòng cho tôi,
mang đi nhiều thứ được giải thích là “không quá cần thiết” để giữ lại. Học hết
câp 3, tôi mới đồng ý giải phóng phần lớn chồng sách vở cấp 1, cấp 2, một vài
của cấp 3, toàn bộ các bài kiểm tra ở các lớp thì tôi vẫn giữ lại. Tôi cũng gói
ghém những món quà được tặng từ ngày còn bé từ những người bạn, những người thân
khác cùng với những tấm thiệp chúc mừng. Thỉnh thoảng nhàn rỗi hay buồn chán,
tôi lại giở lại những thứ linh tinh kia ra, mân mê chúng, có lúc tự dưng bật
khóc hoặc bật cười như một kẻ không bình thường. Có lúc tôi cảm thấy ngay cả
từng tế bào nhỏ trong tôi cũng phải rung lên nhảy nhót bởi đang được rót vào
từng giọt, từng giọt cảm xúc phức hợp hòa quyện trong nhau. Giờ đây, khi có
điện thoại di động, tôi biết không ít người cũng thường không lỡ xóa đi những
tin nhắn ngọt ngào tình cảm của bạn bè, người thân, người yêu gửi đến. Và thế
là những lúc như thế, ít nhất tôi lại thấy mình ý nghĩa, lại thấy mình tự tin
trong hiện tại…
Tôi
chỉ là một người bình thường có bộ não với trí nhớ thật hạn hẹp. Nhưng bù lại
sự hữu hạn đó, tôi thường cứ thế lưu giữ những “kỷ
niệm biết nói” này, và tìm lại chúng bất cứ khi nào tôi cần...